Nợ quá hạn thẻ tín dụng: Bao lâu để xóa thông tin trên CIC?
Sử dụng thẻ tín dụng không đúng cách có thể khiến người dùng rơi vào nợ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử tín dụng trên CIC. Dù đã tất toán đầy đủ, thông tin nợ vẫn được lưu giữ đến 3 năm, làm giảm khả năng vay vốn trong tương lai. Vậy cần bao lâu để xóa nợ xấu khỏi CIC và làm thế nào để phòng tránh hiệu quả?
Việc sử dụng không đúng cách rất dễ khiến người dùng "dính" nợ quá hạn, dẫn đến rơi vào nhóm nợ xấu. Điều này không chỉ gây áp lực tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử tín dụng trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC), ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay vốn trong tương lai.
Phân loại nợ và thời gian lưu trữ trên CIC
Theo quy định tại Thông tư 11/2021 của Ngân hàng Nhà nước, CIC chia các khoản vay thành 5 nhóm nợ. Trong đó:
• Nợ nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn (trong hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày)
• Nợ nhóm 2: Nợ cần chú ý (quá hạn từ 10 đến dưới 30 ngày)
• Nợ nhóm 3 đến 5: Nợ xấu (quá hạn từ 30 ngày trở lên, bao gồm cả nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn)
Với nợ nhóm 2, thông tin sẽ được lưu trên CIC trong 12 tháng kể từ ngày phát sinh. Trong khi đó, nợ xấu nhóm 3–5 phát sinh từ thẻ tín dụng sẽ được giữ lại trong vòng 3 năm kể từ ngày tất toán đầy đủ. Với các khoản vay khác, thời gian lưu giữ có thể lên tới 5 năm.
Không thể "xóa sổ" nợ xấu trước hạn
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến là có thể nhờ người quen hoặc dịch vụ bên ngoài "xóa nợ xấu" trên CIC. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, không tổ chức hay cá nhân nào được phép can thiệp vào hệ thống CIC để xóa lịch sử tín dụng trước thời hạn luật định.
Các dịch vụ quảng cáo "xóa nợ xấu nhanh" thực chất là hành vi lừa đảo, có thể khiến người dùng mất thêm tiền mà không cải thiện được lịch sử tín dụng.
Để xóa thông tin nợ xấu trên CIC đúng quy trình, trước hết khách hàng cần tất toán toàn bộ khoản nợ gốc và lãi của thẻ tín dụng đã quá hạn. Sau khi thanh toán đầy đủ, ngân hàng phát hành thẻ sẽ cập nhật trạng thái "đã thanh toán" lên hệ thống của CIC. Tuy nhiên, thông tin nợ vẫn sẽ được CIC lưu giữ thêm một khoảng thời gian, tùy theo nhóm nợ đã từng phát sinh: 12 tháng đối với nợ nhóm 2 và tối đa 3 năm với nợ xấu nhóm 3–5. Hết thời gian lưu trữ này, hệ thống CIC sẽ tự động xóa thông tin nợ xấu, mà không cần thêm bất kỳ thủ tục nào từ phía người vay.
Trong trường hợp phát hiện sai sót, người vay có thể gửi yêu cầu khiếu nại đến ngân hàng hoặc CIC. Theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN, thời gian xử lý khiếu nại không quá 15 ngày làm việc.
Nợ xấu trên CIC có thể khiến khách hàng khó tiếp cận các khoản vay mới, hoặc bị áp mức lãi suất cao hơn do bị đánh giá là khách hàng có rủi ro tín dụng.
Thậm chí, sau khi tất toán xong nợ, lịch sử xấu vẫn tồn tại thêm vài năm, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính lâu dài, đặc biệt là với người có nhu cầu vay mua nhà, mua ô tô hoặc kinh doanh.
Để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Trước hết, hãy luôn thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn mỗi tháng, thay vì chỉ trả mức tối thiểu 3–5% số tiền nợ, nhằm tránh phát sinh lãi suất cao và bị phân loại vào nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, nên chủ động kiểm tra lịch sử tín dụng trên CIC định kỳ thông qua ngân hàng hoặc các ứng dụng hỗ trợ để kịp thời phát hiện sai sót. Người dùng cũng cần hạn chế lạm dụng thẻ, chỉ chi tiêu trong phạm vi thu nhập và khả năng tài chính của bản thân. Đặc biệt, tuyệt đối không nên sử dụng các dịch vụ "xóa nợ xấu" trái phép, vì đây thường là các hình thức lừa đảo, không có hiệu lực pháp lý và có thể dẫn đến rủi ro lớn hơn.
Việc chậm thanh toán thẻ tín dụng quá 30 ngày sẽ khiến bạn rơi vào nhóm nợ xấu và bị lưu thông tin trên CIC trong vòng 3 năm, ngay cả khi đã tất toán. Do đó, người dùng cần sử dụng thẻ tín dụng một cách kỷ luật, có kế hoạch trả nợ rõ ràng và theo dõi sát sao lịch sử tín dụng cá nhân. Việc duy trì một "hồ sơ tín dụng sạch" không chỉ giúp bạn tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm tài chính, mà còn bảo vệ uy tín cá nhân trong dài hạn.
Đức Anh (TH)