Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nợ thuế gần 1.300 tỷ đến mức phải cưỡng chế, Chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh lấy đâu 5.760 tỷ mua lại trái phiếu?

Hà Thị Lưu Luyến

Trong bối cảnh nợ thuế quá hạn gần 1.300 tỷ đồng dẫn tới bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, Golden Hill - chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh gây bất ngờ khi công bố kế hoạch mua lại 5.760 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Theo dữ liệu mới cập nhật trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Golden Hill vừa công bố kế hoạch mua lại trái phiếu mã GHICB2124001.

Cụ thể, Golden Hill dự kiến chi 5.760 tỷ đồng mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã GHICB2124001 phát hành ngày 15/4/2021, đáo hạn ngày 15/4/2024. Thời gian mua lại dự kiến là ngày 20/3/2024.

Được biết, lô trái phiếu GHICB2124001 có lãi suất 9,7%. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng tổng tối đa 3,5% cộng lãi suất tham chiếu.

Mục đích phát hành để huy động vốn thanh toán một phần các khoản phải trả với các bên đối tác liên quan đến việc thanh lý các hợp đồng hợp tác đầu tư với tổng dư nợ gốc là 8.054 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu này đã được đảm bảo bằng tài sản liên quan đến dự án 87 Cống Quỳnh.

Đáng nói, việc Golden Hill dự chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong bối cảnh doanh nghiệp này liên tục bị bêu tên vì nợ thuế khủng. Mới đây hồi tháng 2/2024, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) đã ban hành quyết định số 201/QĐ-ĐT về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư Golden Hill.

Lý do bị cưỡng chế là do Golden Hill có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời gian nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 1.289,2 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/1/2024 đến ngày 30/1/2025. Quyết định chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Không những vậy, theo Báo cáo tài chính 2022 của Golden Hill cho thấy, trong năm công ty này lỗ gần 276 tỷ đồng, nợ phải trả cao gấp 5,1 lần vốn chủ sở hữu (tương đương 12.342 tỷ đồng).

chu-dau-tu-du-an-87-cong-quynh-du-kien-mua-lai-hon-5-700-ty-dong-trai-phieu-du-dang-no-thue-khung-1709797185.png
Phối cảnh dự án 87 Cống Quỳnh

Golden Hill được biết đến là chủ đầu tư dự án Cao ốc phức hợp tại số 87 đường Cống Quỳnh quận 1, TP.HCM (gọi tắt là dự án 87 Cống Quỳnh). Dự án có quy mô 8.320,9 m2, bao gồm: 1 trung tâm thương mại cao 8 tầng và 2 tháp căn hộ cao 40 tầng, tổng số căn hộ là 1.074 căn.

Ban đầu, dự án 87 Cống Quỳnh do CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Ngân làm chủ đầu tư nhưng đến năm 2017, Bình Ngân đã sáp nhập vào Golden Hill, do đó, Golden Hill trở thành chủ đầu tư mới của dự án.

Sau khi sáp nhập được Bình Ngân, Golden Hill đã điều chỉnh vốn điều lệ cũng như thành phần cổ đông. Ban đầu, Golden Hill có vốn điều lệ ở mức 100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 2.798 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập đã thoái toàn bộ vốn, thay vào đó là 3 cổ đông nước ngoài, gồm: Ford Master International Limied (30,02%); Golden Hill Investment Company Limited (40,03%); Quality Plus Development Limited (29,95%). Cả 3 pháp nhân này đều có địa chỉ trụ sở tại "thiên đường thuế" British Virgin Island.

Sau đó, công ty này liên tục biến động nhân sự cấp cao. Tháng 4/2021, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1971) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Golden Hill. Ông Nguyễn Thanh Bình có nhiều năm đảm nhiệm vai trò quản lý tại CTCP Đầu tư TCO Việt Nam, hay CTCP May thêu Mỹ Sơn.

Dự án 87 Cống Quỳnh trước khi "về tay" Golden Hill là nằm trong danh mục phát triển mang thương hiệu Alpha của Tập đoàn Alpha King đến từ Hồng Kông (Trung Quốc). Song song với những biến động thượng tầng tại Golden Hill, Alpha King đã rút lui khỏi Việt Nam và dự án rơi vào tình trạng "đóng băng" sau khi xây dựng được một phần.

Hà Ly