Nỗi ám ảnh kỳ lạ của Masayoshi Son với siêu AI: U70 nhận ra mục đích sống, thừa nhận mình sinh ra để phát triển AI, khoản đầu tư trước đây chỉ khởi đầu

Masayoshi Son tin vào một tương lai nơi siêu AI được cho là thông minh hơn người thông minh nhất thế giới 10.000 lần.

Masayoshi Son được biết đến như một nhân vật khá đặc biệt. Ông, bắt đầu sự nghiệp bằng cách thành lập một công ty trò chơi điện tử, sau đó bán cho gã khổng lồ điện tử Kyocera, đã tạo dựng được tên tuổi của mình nhờ hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hợp thời có tiềm năng thay đổi thế giới. Có những thương vụ mang lại lợi nhuận khổng lồ (Alibaba). Cũng có những vụ cá cược phải kết thúc trong nước mắt (WeWork).

Son đã mô tả vào năm 2019 rằng, việc bỏ lỡ hàng tỷ USD vào gã khổng lồ làm việc chung WeWork đã khiến ông vô cùng đau khổ. Ông hứa sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học đắt giá này.

Sau khi Quỹ Vision Fund hàng đầu ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 27 tỷ USD trong năm tài chính 2021, Masayoshi Son quyết định chuyển sang chế độ phòng thủ song kết quả không mấy khả quan. Trong năm tài chính 2022 của SoftBank, Vision Fund tiếp tục công bố khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD sau những sai lầm lớn đối với công ty AI SenseTime của Trung Quốc và gã khổng lồ thương mại điện tử và gọi xe GoTo. Hiệu suất kém đã thôi thúc Son, người luôn không đi theo khuôn mẫu, tuyên bố sẽ quay sang ‘tấn công’ trở lại.

Cho đến nay, chiến thuật mới đã phát huy tác dụng.

Quỹ đầu tư chủ lực của SoftBank đã thu về 4,6 tỷ USD sau thành công của một số khoản đầu tư nổi bật, bao gồm công ty thiết kế chip Arm của Anh, chủ sở hữu TikTok là ByteDance và công ty giao đồ ăn DoorDash trong năm tài chính 2023. Bản thân ông Son cũng có một nỗi ám ảnh mới: siêu trí tuệ nhân tạo (ASI).

Hãy quên AI đi bởi CEO Softbank đã dự đoán về một tương lai do ASI thống trị bởi chúng thông minh hơn 10.000 lần so với người thông minh nhất hành tinh. Vị tỷ phú này tin rằng mình được đưa đến Trái đất để biến tương lai này trở thành hiện thực.

“SoftBank được thành lập với mục đích gì? Masayoshi Son sinh ra với mục đích gì? Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi nghĩ mình sinh ra là để hiện thực hóa ASI. Tôi cực kỳ nghiêm túc về điều đó”, Son nói với các cổ đông tại cuộc họp thường niên tuần trước, theo CNBC và cho biết mọi khoản đầu tư mà ông thực hiện trong suốt sự nghiệp của mình, từ Uber đến Alibaba, đều chỉ là khởi động cho các khoản đầu tư AI.

Nỗi ám ảnh kỳ lạ của Masayoshi Son với siêu AI: U70 nhận ra mục đích sống, thừa nhận mình sinh ra để phát triển AI, khoản đầu tư trước đây chỉ khởi đầu- Ảnh 1.

“ASI là trọng tâm duy nhất của tôi”, ông nói.

Sự tập trung cực đoan vào AI diễn ra sau cam kết thực hiện 5 khoản đầu tư AI quy mô lớn trị giá ít nhất 1 tỷ USD của SoftBank. Son đã hỗ trợ nhiều công ty AI, bao gồm khoản đầu tư 200 triệu đô la vào Tempus AI - startup phân tích dữ liệu y tế vào tháng 4. Ông cũng đặt cược khi hỗ trợ Perplexity AI - một công ty khởi nghiệp tìm kiếm trên internet bằng AI đang thịnh hành với hy vọng cạnh tranh với những công ty khổng lồ như Google.

Trong cuộc họp với các cổ đông tuần trước, Son cũng nhấn mạnh cơ hội trong lĩnh vực lái xe tự động, robot AI, trung tâm dữ liệu và hơn thế nữa. Theo phong cách thường thấy, sau đó, vị tỷ phú này đã bắt đầu một cuộc thảo luận sâu sắc, chân thành về phong cách đầu tư của mình.

“Hai năm trước, tôi thấy mình già rồi, quãng đời còn lại có hạn song bản thân vẫn chưa làm được gì cả và tôi đã khóc rất nhiều”, ông kể lại cảm giác của mình trong giai đoạn đen tối của SoftBank vào năm 2022 và cho biết hiện tại, mục đích sống đang rõ ràng hơn bao giờ hết. “Đây là thứ tôi sinh ra để làm, để nhận ra ASI”.

Trước đó, SoftBank cam kết đầu tư gần 9 tỷ USD mỗi năm vào trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi đang hạn chế rót vốn cho các thương vụ lớn.Masayoshi Son đã lên tiếng chia sẻ niềm tin của mình với AI cũng như sự cần thiết định hình lại tập đoàn trong việc tìm kiếm các thỏa thuận có thể hỗ trợ Arm - công ty vừa IPO vào năm ngoái.

Như vậy, khoản cam kết đầu tư của SoftBank đã tăng hơn gấp đôi lên 8,9 tỷ USD trong 12 tháng kể từ khi đưa ra chủ trương ‘phản công’. Giám đốc tài chính của SoftBank, Yoshimitsu Goto, nói với Financial Times: “Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ giữ nguyên xu hướng tốc độ hoạt động đầu tư. Kể từ bây giờ, chúng tôi muốn tăng cường đầu tư vào các công ty AI. Lý do chúng tôi giữ bảng cân đối kế toán của mình ở mức an toàn là vì chúng tôi luôn muốn chuẩn bị sẵn sàng và linh hoạt”.

Với niềm tin rằng AI sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai, vị tỷ phú U70 cố gắng định hình lại SoftBank và các Quỹ Tầm nhìn. Cùng lúc đó, các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Amazon và Google cam kết hợp tác và chi hàng tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp xây dựng mô hình AI. Nhiều công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu cũng đang săn lùng các thỏa thuận liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Sau khi thất bại với WeWork, SoftBank mới đây được S&P nâng hạng trở lại mức B+, mức xếp hạng phi đầu tư cao nhất, với lý do có “sự cải thiện về chất lượng tài sản”. Thành tựu tạo điều kiện cho SoftBank thực hiện một thương vụ quy mô lớn song Goto cho biết ông sẽ hết sức thận trọng.

“Sức mạnh đó không có nghĩa là chúng tôi sẵn sàng chi 10 tỷ USD, 20 tỷ USD, 30 tỷ USD. . . ”, ông nói.

Theo: Fortune, Financial Times

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT