Nơi sinh viên ĐNÁ đang đổ về ‘tầm sư học đạo’ ngành chip bán dẫn, mơ về tương lai được trả lương nghìn USD

Báo cáo của McKinsey cho thấy Mỹ và Châu Âu đang thiếu hơn 100.000 kỹ sư bán dẫn, còn con số này là hơn 200.000 kỹ sư ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc.

Nơi sinh viên ĐNÁ đang đổ về ‘tầm sư học đạo’ ngành chip bán dẫn, mơ về tương lai được trả lương nghìn USD - Ảnh 1.

Mới đây, thông tin các nhân viên Nvidia sẽ được nhận thêm một khoản trợ cấp đặc biệt từ CEO Jensen Huang đã làm chấn động giới truyền thông. Tờ Business Insider (BI) thậm chí cho biết nhiều nhân viên đã được cấp quyền chọn cổ phiếu trị giá 200.000 USD và sẽ được nhận thêm 50.000 USD nữa từ khoản trợ cấp thêm này.

Chính vì những khoản thưởng trong mơ này mà theo tờ Rest of World (RoT), vô số sinh viên từ khắp Đông Nam Á đang đổ về Đài Loan, trụ sở chính của những hãng chip bán dẫn hàng đầu như Nvidia, TSMC để "tầm sư học đạo", mong ngóng một tương lai lương thưởng nghìn USD như trên.

Tầm sư học đạo

Khi anh Hans Juliano người Indonesia muốn du học để lấy bằng thạc sĩ về chất bán dẫn, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nơi đã từng được cân nhắc đến nhưng cuối cùng anh lại chọn Đài Loan.

Trường hợp của anh Juliano chỉ là một trong vô số sinh viên Đông Nam Á đang đổ về Đài Loan tầm sư học đạo ngành chip bán dẫn hay trí thông minh nhân tạo (AI) nhờ sự nổi tiếng của Nvidia hay TSMC. Đài Loan hiện đang là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới và đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Đây cũng là nơi có trình độ phát triển chip bán dẫn cùng AI cực cao, có thể đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn cho mảng đang vô cùng thiếu lao động.

Với sự khủng hoảng nhân lực trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn, từ khâu thiết kế đến sản xuất thì các sinh viên ngành này đang trở thành con cưng của nhiều tập đoàn công nghệ, được mời chào với mức lương thưởng cao.

Bởi vậy, Đài Loan bất ngờ trở thành điểm thu hút nhân tài khắp Đông Nam Á do tại đây sản xuất phần lớn những chip bán dẫn hiện đại nhất thế giới cho các tập đoàn như Apple, Qualcomm...

Bản thân ngành chip bán dẫn cũng đóng góp đến 15% GDP của Đài Loan, qua đó cho thấy quy mô và sự phát triển của mảng này.

"Khi các tập đoàn bán dẫn như TSMC mở rộng sản xuất thì nhu cầu về nhân lực cũng tăng theo. Nếu không đủ nguồn cung lao động chất lượng thì chắc chắn các nhà máy chip sẽ phải đối mặt với nguy cơ trễ hạn giao hàng", Phó giám đốc Brady Wang của Counterpoint Research cho hay.

Số liệu của hãng tuyển dụng 104 Job Bank cho thấy gần 23.000 việc làm trong mảng bán dẫn tại Đài Loan được tạo ra mỗi tháng trong quý II/2023. Dù cơn sốt ChatGPT và AI đã giảm chút nhiệt nhưng tình trạng thiếu lao động trong ngành vẫn rất lớn.

Nơi sinh viên ĐNÁ đang đổ về ‘tầm sư học đạo’ ngành chip bán dẫn, mơ về tương lai được trả lương nghìn USD - Ảnh 3.

Do tỷ lệ sinh giảm nên các nhà sản xuất chip Đài Loan khó có thể dựa vào nguồn nhân lực địa phương trong lâu dài, nhất là khi giới trẻ không còn quan tâm nhiều đến những vị trí công việc trong các nhà máy nữa.

"Chúng tôi có những kỹ sư rất giỏi có thể làm việc 24 tiếng mỗi ngày, nhưng thế hệ trẻ không còn hứng thú với điều này nữa", phó trưởng khoa Chih Huang Lai của Trường Cao đẳng Nghiên cứu Chất bán dẫn tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (NTHU) ngậm ngùi.

Như một hệ quả tất yếu, Hiệu trưởng Jack Sun của Học viện IAIS chuyên về chip bán dẫn cho biết Đài Loan đang hướng đến nguồn nhân lực trẻ, dồi dào tại Đông Nam Á. Do gần gũi về mặt địa lý và dân số trẻ dồi dào, những lao động hứng thú với ngành chip bán dẫn trong khu vực trở thành nguồn lao động vô cùng tiềm năng với Đài Loan.

Hơn thế nữa, nhiều công ty bán dẫn Đài Loan cũng đang mở rộng sang Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Singapore.

"Bởi vậy, nhiều công ty mong muốn có thêm nhân lực, kỹ sư tại những nhà máy mới", Hiệu trưởng Jack Sun, người từng là giám đốc công nghệ của TSMC vào năm 2018, cho biết.

Việc tìm người

Theo RoT, cạnh tranh nguồn nhân lực ở mảng chip bán dẫn đang nóng lên. Báo cáo của McKinsey cho thấy Mỹ và Châu Âu đang thiếu hơn 100.000 kỹ sư bán dẫn, còn con số này là hơn 200.000 kỹ sư ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc.

Chính vì lẽ này mà nhiều nơi đang cố gắng tìm kiếm, tuyển dụng thêm lao động cho ngành bán dẫn. Năm 2023, Đài Loan đã tổ chức phái đoàn gồm 6 hãng chip lớn, gồm TSMC, ASE Technology Holding và MediaTek để có chuyến thăm quan Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.

Nơi sinh viên ĐNÁ đang đổ về ‘tầm sư học đạo’ ngành chip bán dẫn, mơ về tương lai được trả lương nghìn USD - Ảnh 4.

Những nỗ lực này khiến trong năm học 2023-2024, khoảng ¼ số sinh viên quốc tế học thạc sĩ trở lên tại Đài Loan đến từ Việt Nam, khoảng 14% đến từ Indonesia và 9% từ Malaysia.

Việc hợp tác này khiến Đài Loan giải quyết được nhu cầu thiếu nhân lực, trong khi những nền kinh tế khác được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ, tăng cơ hội việc làm và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hóa nhiều hơn so với du học ở các khu vực Phương Tây càng khiến Đài Loan trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều bạn trẻ Đông Nam Á.

Quay trở lại trường hợp của anh Julianio, sinh viên người Indonesia. Chàng trai này sau du học ở Đài Loan đã được hãng sản xuất chip Micron của Mỹ mời làm việc với mức lương thưởng hậu hĩnh, bất chấp phải đến năm 2025 thì anh mới tốt nghiệp.

*Nguồn: RoT

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT