Nữ founder người Pháp đem sản phẩm quần lót đặc biệt lên Shark Tank, giá 700.000 đồng sử dụng suốt 5 năm: Shark Bình "wow" từ cái nhìn đầu tiên!

Là mô hình đã được chứng minh tại Mỹ, châu Âu, liệu những chiếc quần lót hấp thụ kinh nguyệt có thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam?

Những chiếc quần lót hấp thụ kinh nguyệt giá 700.000 đồng

Céline Ventalon - nhà sáng lập thương hiệu Émer, người Pháp, mang đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 một sản phẩm mà cô nói là "có tính cách mạng": quần lót có thể hấp thụ kinh nguyệt. Với sản phẩm này, phụ nữ không cần đeo miếng lót và băng vệ sinh mà vẫn không sợ bị tràn, đồng thời có khả năng chống khuẩn, không chứa chất động hại. 

Mỗi sản phẩm có tới 5 lớp. Nữ founder tự tin thử nghiệm khả năng chống tràn, chống thấm sang mặt ngoài của sản phẩm ngay tại chương trình. "Buổi sáng chỉ cần mặc và sau đó đi làm cả ngày. Buổi tối chỉ cần xả lại trong nước lạnh trong 30 giây rồi cho vào máy giặt. Sản phẩm đã có mặt khắp nơi ở Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản". 

Một chiếc quần lót có thể tái sử dụng trong vòng 5 năm, nhờ đó giúp người phụ nữ tiết kiệm ít nhất 1.500 USD trong đời. Nếu xét đến 4 tỷ phụ nữ trên toàn cầu, mỗi người trải qua trung bình 39 năm cuộc đời có kinh nguyệt, trung bình họ tiêu thụ và vứt đi 17.000 miếng băng vệ sinh trong đời. Trong khi đó, việc sử dụng sản phẩm của Émer giúp sẽ giúp giảm lượng rác thải ra môi trường.

Nữ founder người Pháp đem quần lót hấp thụ kinh nguyệt lên Shark Tank, giá 700.000 sử dụng suốt 5 năm: Shark Bình "wow" từ cái nhìn đầu tiên! - Ảnh 1.

Céline Ventalon - nhà sáng lập thương hiệu Émer

 Theo Céline Ventalon, những sản phẩm quần lót hấp thụ kinh nguyệt đã có ở khắp nơi trên thế giới, là một mô hình kinh doanh đã được chứng minh, điển hình như thương hiệu Thinx (Mỹ) - được định giá 26,5 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đi sau thế giới khoảng 5-10 năm. 

Nữ sáng lập người Pháp cũng đưa ra những con số cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng CAGR lên tới 31,3% từ năm 2021 đến 2029, dự kiến đạt hàng tỷ USD trong những năm tới. Thị trường châu Á mới nằm trong giai đoạn khởi đầu.

Sản phẩm của Émer đang được sản xuất bởi nhà cung cấp từ Pháp. Tại Việt Nam, startup này phân phối cho các bệnh viện và phòng khám gia đình. Đồng thời, Émer cũng có mặt tại các chuỗi siêu thị như An Nam, Go! BigC, hay các chuỗi bán lẻ như Guardians, Takashimaya, Medicare. Ngoài ra, thương hiệu đồng thời phân phối tại thị trường Malaysia, Singapore, Mỹ. 

Vì thế, Céline Ventalon muốn kêu gọi 500.000 USD vốn đầu tư, đổi lấy 20% cổ phần công ty. 

Shark Bình bắt đầu chất vấn nữ founder về các chỉ số tài chính. Năm 2022, thương hiệu bắt đầu bán hàng và ghi nhận doanh thu 40.000 USD (khoảng 980 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Năm 2023, công ty kiếm được 17.000 USD (khoảng 416,5 triệu đồng). Céline Ventalon kỳ vọng có thể bán ra 250.000 sản phẩm trong năm tới, tương đương doanh thu khoảng 900.000 USD, lợi nhuận ròng 100.000 USD. Đến năm 2028, doanh số sẽ là 500.000 sản phẩm. 

photo-1699889613838

 Shark Tuệ Lâm lại đặt câu hỏi về giá bán. Theo nữ founder, mỗi sản phẩm có giá khoảng 29 USD (tương đương 700.000 đồng). Tuy nhiên, Giám đốc đại diện Nextrans cho rằng khoản chi gần 30 USD trong 5 năm không thực sự hiệu quả, đồng thời khả năng khách hàng quay lại mua thường xuyên không cao (vì mỗi sản phẩm có tuổi thọ tới 5 năm). Trong khi đó, nhà sáng lập tin tưởng khách hàng sẽ mua lại bởi sự hấp dẫn của các thiết kế, thời trang. 

Shark Louis cũng quan ngại về mức giá khá "chát" của Émer. Dẫu vậy, nhà sáng lập cho rằng rào cản chính không nằm ở giá cả mà là việc giặt đồ lót. 

Shark Bình "wow" từ cái nhìn đầu tiên

Dù nhận được nhiều lời động viên về sản phẩm có khả năng thay đổi cuộc sống phụ nữ, nhà sáng lập Émer vẫn lần lượt nhận về 4 cái lắc đầu tư Shark Minh Beta, Shark Tuệ Lâm, Shark Hùng Anh và Shark Louis. Quần lót hấp thụ kinh nguyệt bị cho là khó để thay đổi thói quen đang có của người tiêu dùng. 

Trái lại, Shark Bình một lần nữa cho thấy khẩu vị với ngành thời trang."Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy wow, đây là một sản phẩm tuyệt vời. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảnh giác là một sản phẩm tuyệt vời như vậy thì nó phải được phản ánh qua các con số. Doanh thu của bạn 2 năm qua không ấn tượng bằng sản phẩm bạn có.

Tôi không muốn làm bạn thất vọng nhưng gọi 500.000 USD thì hơi quá", Shark Bình nhận xét.

Vì thế, Shark Bình đưa ra một đề nghị khác: 100.000 USD cho 20% vốn cổ phần, đồng thời cam kết 400.000 USD cho khoản vay kèm điều kiện.

Nữ sáng lập mặc cả 150.000 USD cho 10% cổ phần. Tuy nhiên, Shark Bình lắc đầu. "Tôi không có nhiều hiểu biết về mảng này. Tôi đánh giá cao sản phẩm của bạn vì cho rằng nó sẽ giúp ích và trở thành một sản phẩm mà phụ nữ Việt Nam yêu thích", ông chủ Nexttech. Câu nói đã thuyết phục thành công Céline Ventalon. Thương vụ kết thúc với thoả thuận 100.000 USD cho 20% vốn cổ phần, đồng thời cam kết 400.000 USD cho khoản vay kèm điều kiện.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT