Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngân hàng nào nhận thế chấp hàng nghìn sổ đỏ của bà Nguyễn Phương Hằng?

Phạm Thị Tâm

Trong năm 2022, một ngân hàng đã nhận thế chấp hàng nghìn sổ đỏ của bà Nguyễn Phương Hằng tại dự án ở Bình Phước, Bình Phước.

ocb-nhan-the-chap-hang-nghin-so-do-cua-ba-nguyen-phuong-hang-antt-1681548814.JPG
Ảnh minh họa

Đặt kế hoạch tăng vốn lên 20.548 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 dự kiến được tổ chức vào sáng 28/4.

Theo đó, OCB dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 173.087 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

OCB hiện có 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Ngân hàng cho biết, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, OCB muốn phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%.

Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Một trong các nội dung quan trọng tại ĐHCĐ sắp tới của OCB là bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 (biểu quyết theo phương thức bầu dồn phiếu). Hai cá nhân dự kiến bầu vào thành viên HĐQT OCB đợt này là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng. Nếu được thông qua thì OCB cũng nâng số thành viên hội đồng quản trị từ 7 lên 9.

Cũng theo tài liệu họp cổ đông thường niên 2023, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản hiện có của OCB là 193.994 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2021, đạt 84,3% kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế của OCB ở mức 4.389 tỷ đồng, giảm 20,5% so với năm trước và chỉ hoàn thành 62% kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.510 tỷ đồng, giảm 20,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo văn bản giải trình số 792-01/2023/CV-OCB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), phía OCB cho rằng, nguyên nhân dẫn đến biến động trên là do nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh cổt lõi của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 20,5% lên 6.948 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 29,28%, đạt 1.014 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán giảm mạnh 2.086 tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường diễn biến bất lợi; chi phí hoạt động tăng mạnh từ 2.403 tỷ đồng lên 3.077 tỷ đồng,... đã ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung của toàn ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay khách hàng của OCB là 119.803 tỷ đồng, tăng gần 17,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là cho vay các tổ chức kinh tế với gần 70.526 tỷ đồng; cho vay cá nhân ở mức 49.277 tỷ đồng.

Nhận thế chấp hàng nghìn sổ đỏ của bà Nguyễn Phương Hằng

Đáng chú ý, theo báo cáo quản trị năm 2022 của OCB, nhà băng này đã ban hành nhiều nghị quyết về việc nhận tài sản đảm bảo là bất động sản tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Trong số các nghị quyết này có 2 nghị quyết số 36/2022/NQ-HĐQT và 37/2022/NQ-HĐQT có nội dung liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo là bất động sản liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng- Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam.

Cụ thể: Nghị quyết số 36/2022/NQ-HĐQT về việc nhận tài sản đảm bảo là 963 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 281/2022/TT-TGĐ ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc.

Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐQT của OCB có nội dung liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo là 1.104 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty CP Glove Đại Nam, Công ty CP Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 282/2022/TT-TGĐ ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc.

Đây đều là những doanh nghiệp có liên quan đến vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng.

Trả lời về khoản nợ của Công ty Đại Nam, tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào sáng ngày 23/4/2022, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, tổng dư nợ nhà băng này cho Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng không cho vay liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ.

Sau vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 3/2022, ngày 22/4/2022, phía Đại Nam cũng hoàn trả 450 tỷ đồng cho OCB.

Theo tài liệu của PV, năm 2019, vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng Chuyển nhượng số: 01 ngày 29/09/2019 ký với Công ty TNHH Một thành viên Tân Khai về việc chuyển nhượng 451 lô đất thuộc Dự án Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) của chủ đầu tư là: Công ty TNHH Một thành viên Tân Khai (không bao gồm quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất) để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại OCB.

Bạch Hiền