Ông lớn ngành điện hợp tác với Tập đoàn Phần Lan muốn làm Nhà máy điện linh hoạt gần 1 tỷ USD tại tỉnh Ninh Bình
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.871 tỉ đồng, doanh thu vận hành hàng năm ước đạt 13.972 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm khoảng 555 tỉ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).
Ngày 14/3/2024, Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3 - mã: PGV) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (mã CK: NBP) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Wartsila (Phần Lan) về đề xuất triển khai dự án Nhà máy điện linh hoạt tại tỉnh Ninh Bình.
Các bên cùng trao đổi về đề xuất phát triển dự án Nhà máy điện linh hoạt tại tỉnh Ninh Bình. Dự án này thay thế NMNĐ Ninh Bình hiện hữu, sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc, duy trì việc làm, công việc cho người lao động tại NMNĐ Ninh Bình.
Trước đó, EVNGENCO3 đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, chấp thuận đưa dự án Nhà máy điện linh hoạt công suất 1.200MW tại Ninh Bình vào kế hoạch, quy hoạch điện VIII.
Trên cơ sở hồ sơ nghiên cứu đề án nghiên cứu phát triển dự án Nhà máy điện linh hoạt do Viện Năng lượng lập tháng 11/2023, dự án Nhà máy điện linh hoạt công suất 1.200 MW tại Ninh Bình sẽ được xây dựng tại Trung tâm năng lượng thuộc xã Kim Đông, (huyện Kim Sơn), cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 45 km.
Diện tích sử dụng đất khoảng 78,6ha, trong đó: Nhà máy 1.200MW khoảng 17,6 ha (gồm sân phân phối và trạm biến áp); 61ha phần diện tích hướng tuyến đường dây đấu nối và hành lang an toàn đấu nối về TBA 220kV Nghĩa Hưng (Nam Định).
Diện tích sử dụng mặt nước khoảng 5ha diện tích mặt nước để bố trí kho cảng nhập nhiên liệu (bao gồm Bến cảng tiếp nhận LNG, vũng quay tàu và 200m đường ống ngầm biển có hành lang hạn chế) và kho chứa nổi trên biển khoảng 1ha.
Quy mô dự án công suất đạt 1.200MW giai đoạn sau năm 2030, sản lượng điện hàng năm khoảng 2.564GWh, sử dụng công nghệ động cơ đốt trong pit-tông RICE.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.871 tỉ đồng, doanh thu vận hành hàng năm ước đạt 13.972 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm khoảng 555 tỉ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).
Vào tháng 8/2023, Đoàn công tác của Tập đoàn Wartsila đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về đề xuất dự án nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW tại tỉnh. Tập đoàn đề xuất được đầu tư xây dựng nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW, với 17 tổ máy ICE 22 ha. Địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng, dự kiến hàng năm đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 180 tỷ đồng. Nếu mở rộng công suất lên 1.500 MW thì tỉ lệ nộp ngân sách sẽ tăng tương ứng.
Nhà máy mới sẽ sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững (LNG và hydrogen trong tương lai) với vị trí địa điểm cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới đời sống và phát triển du lịch của địa phương.
Nhóm nhà đầu tư đề xuất dự án
EVNGENCO3 là công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do EVN sở hữu 99,19% cổ phần. EVNGENCO3 được biết đến là nhà sản xuất điện quy mô lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau EVN, với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW. PGV hiện cung cấp các loại hình phát điện từ Nhiệt điện khí, Nhiệt điện than, Thủy điện đến dòng năng lượng tái tạo Điện mặt trời.
Năm 2024, EVNGENCO3 đạt doanh thu thuần hợp nhất là 45.711 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ và LNST đạt 1.347 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
CTCP Nhiệt điện Ninh Bình là công ty con của EVNGENCO3, do EVNGENCO3 sở hữu 54,76% cổ phần. CTCP Nhiệt điện Ninh Bình tiền thân là Nhà máy Điện Ninh Bình trực thuộc Công ty Điện lực miền Bắc thành lập năm 1974. Năm 2006, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần. Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình sở hữu nhà máy có 4 tổ lò máy, mỗi tổ có công suất lắp đặt là 25MW, tổng công suất là 100MW.
Wartsila (Phần Lan) là Tập đoàn hàng đầu Thế giới chuyên cung cấp các giải pháp giảm phát thải carbon cho lĩnh vực năng lượng. Wartsila đã xây dựng hơn 5.000 nhà máy điện với 12.000 tổ máy linh hoạt động cơ đốt trong (Internal Combustion Engine - ICE) có tổng công suất 76.000MW tại 180 nước trên thế giới. Các nhà máy điện linh ICE được thiết kế theo module và có thể được cung cấp, xây dựng trong thời gian rất nhanh để cung cấp điện một cách nhanh chóng.