Ông Phạm Duy Hiếu quay lại vị trí “ghế nóng” ABBANK

Ông Phạm Duy Hiếu – Thành viên Ủy ban Nhân sự được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc và giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBANK kể từ ngày 10/8/2023.

ong-pham-duy-hieu-quay-lai-vi-tri-ghe-nong-abbank-antt-1691643832.jpg
Ông Phạm Duy Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc và giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBANK kể từ ngày 10/8/2023.

Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã giao ông Phạm Duy Hiếu đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc tại ABBANK.

Cụ thể, ngày 10/8/2023, HĐQT ABBANK vừa có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc, người đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc từ bà Lê Thị Bích Phượng theo nguyện vọng cá nhân. Bà Lê Thị Bích Phượng sẽ đảm nhiệm công việc khác của Ngân hàng do HĐQT giao.

Bên cạnh đó, HĐQT ABBANK cũng ra quyết định bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu – Thành viên Ủy ban Nhân sự làm Phó Tổng Giám đốc và giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBANK kể từ ngày 10/8/2023.

Được biết, ông Phạm Duy Hiếu, sinh năm 1978, tốt nghiệp Thạc sỹ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng - Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang đảm nhiệm vai trò thành viên Ủy ban Nhân sự, tập trung cho công tác đào tạo cán bộ quản lý và hỗ trợ triển khai "Hành trình văn hoá" của ABBANK.

Trước đây, ông Hiếu cũng đã từng được HĐQT ABBANK giao tham gia điều hành Ngân hàng ở vị trí Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc, dẫn dắt ABBANK hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do HĐQT giao.

HĐQT tin tưởng ông Hiếu trở lại vị trí điều hành sẽ cùng tập thể Ban Điều hành, các đơn vị chức năng Hội sở, Đơn vị kinh doanh và toàn thể CBNV cùng đoàn kết, hợp lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát tốt nợ xấu, nỗ lực hướng đến các mục tiêu chiến lược đã được HĐQT giao; tạo chuyển biến tích cực trong việc tăng cường củng cố hệ thống và tạo tiền đề thực hiện các bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Có thể thấy, làn sóng thay đổi "ghế nóng" đã trở nên bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Các nhân sự này đều phải được HĐQT tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng trong từng giai đoạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngành ngân hàng đứng trước nhiều thách thức bởi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có nguy cơ tăng cao, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao,… đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Ngành ngân hàng cũng đang phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của thị trường trái phiếu, bảo hiểm… hay thoái lãi dự thu, rủi ro an ninh, gian lận nội bộ, tấn công mạng.

Trước những thách thức đó, bài toán đặt ra là các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, mấu chốt nằm ở việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT