Ông Trương Gia Bình hối hận: Nếu ngày xưa tôi hiểu về bán dẫn thì giờ đã khác, đang đề xuất cấp visa đặc biệt để kỹ sư Việt Nam vào Mỹ
Ông Bình chia sẻ, các doanh nghiệp lớn rất cần lao động, cần tài năng nhưng chỉ được đáp ứng một nửa nhu cầu. Hàn Quốc xây dựng 1 thành phố bán dẫn cũng không người làm.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã chia sẻ câu chuyện mới đây khi ông sang Đài Loan (Trung Quốc) để tìm hiểu về bán dẫn, ông đã choáng ngợp khi gặp 1 công ty có 600 nhân viên phần mềm, doanh thu gần 1 tỷ USD và giá trị vốn hoá thị trường lên tới 7-8 tỷ USD.
“Mỗi người lao động tạo ra năng suất lao động khoảng 13 triệu USD giá trị thị trường" - Ông Bình nhẩm tính và cảm thấy kinh ngạc trước con số lớn như vậy. Hỏi ra, công ty cho biết họ làm outsource.
"Nghĩ lại, tôi cảm giác mình có lỗi vì đã từng đến Đài Loan, đã đến thăm khu Hsinchu, đã gặp TSMC khi họ còn 'nhỏ' mà tôi đã không hiểu về phần mềm cho ngành bán dẫn, nếu ngày ấy tôi hiểu được thì giờ đã khác” - ông Bình cho biết
Chủ tịch FPT cho biết, các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Bằng chứng là năm 2022, GDP trên đầu người của Đài Loan (Trung Quốc) đã vượt Nhật Bản. Tuy nhiên sau này, khi kinh tế tốt hơn, lao động tại các nước này lại không chọn làm bán dẫn nữa. Ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.
Ở Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay đang xây dựng 40 nhà máy bán dẫn, năm nay khai trương 3 nhà máy bán dẫn nhưng không có lao động. Kể lại chuyến công tác tại Đài Loan, ông Bình chia sẻ, các doanh nghiệp lớn rất cần lao động, cần tài năng nhưng chỉ được đáp ứng một nửa nhu cầu. Hàn Quốc xây dựng 1 thành phố bán dẫn cũng không người làm.
“Tôi sang Mỹ, gặp các trường đại học nổi tiếng… Austin là thành phố mới nổi, tập đoàn Google, Intel, IBM đã về đây nhưng họ không có lao động. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất họ cấp visa đặc biệt để người Việt Nam vào Mỹ", ông Trương Gia Bình chia sẻ
Ông Bình nhấn mạnh ngành bán dẫn vẫn còn không gian rất lớn nữa là phát triển phần mềm cho bán dẫn.
“Khi tôi gặp Mediatech, họ đồng ý làm joint venture (doanh nghiệp liên doanh) với FPT, thiết kế chip về AI. Cái hay của FPT là AI, chip thì Mediatech rất giỏi nhưng FPT thêm vào đó cái thông minh nữa. Hơn nữa, FPT có lực lượng lao động. Mediatech mở công ty ở Mỹ tìm nhân lực nhưng thiếu người, toàn tuyển người Việt Nam”. - Ông Bình tiết lộ.