Ông Trương Gia Bình tiết lộ một bí kíp thu về 1 tỷ USD từ nước ngoài: Ấn Độ chỉ nói tiếng Anh, chúng ta nói tất cả ngôn ngữ
"Trước chúng ta đến xin công việc, giờ đến cùng nhau bàn công việc làm thế nào cho tốt nhất", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói về vị thế của FPT, từ một doanh nghiệp bị gắn mác "gia công phần mềm" đến cột mốc xuất khẩu 1 tỷ USD.
"80% doanh số của chúng tôi đến từ các hợp đồng giá trị từ 1 triệu USD trở lên", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT – chia sẻ về cột mốc doanh thu xuất khẩu phần mềm 1 tỷ USD của công ty con – FPT Software.
Sự thay đổi nào đã diễn ra ở FPT? Nhà sáng lập Trương Gia Bình cho biết: "Trước chúng ta đến xin công việc, giờ đến cùng nhau bàn công việc làm thế nào cho tốt nhất".
"Ai có thể giúp các tập đoàn toàn cầu quản trị những hệ thống thông tin phức tạp? Ai có thể cùng múi giờ, nói chuyện cùng ngôn ngữ với họ trên toàn thế giới? Một phát hiện quan trọng là Ấn Độ chỉ nói tiếng Anh, còn chúng ta nói tất cả ngôn ngữ. Thế nên ĐH FPT đưa vào đào tạo thêm tiếng Hàn, tiếng Trung…"
Một câu chuyện nữa ông Bình chia sẻ là ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – nói chuyện ở Singapore 40 phút, ở Malaysia là 1 tiếng, và khi sang Việt Nam vị Chủ tịch Tập đoàn chip 1.200 tỷ đồng đã dành tới 4 tiếng đồng hồ.
"Ông Huang nói ông đã chọn Việt Nam như ngôi nhà thứ hai", ông Bình dẫn lại.
Nhà máy không người của Samsung và làn sóng tiếp theo có thể đưa FPT dẫn đầu: Intelligent Transformation
Không thể ở lại sự kiện của FPT Software đến cùng vì "bận chạy đi bán hàng", Chủ tịch FPT vẫn dành thêm thời gian chia sẻ về một làn sóng công nghệ mới. Trước đây, chúng ta nói nhiều về các thuật ngữ "tin học", rồi "chuyển đổi số", ông Bình cho biết sắp tới đây rất có thể thuật ngữ được nhắc đến nhiều sẽ là "Intelligent Transformation" - sự chuyển đổi của trí tuệ nhân tạo.
"Ông Jensen Huang nói nếu Việt Nam chuyển đổi được từ 1 triệu kỹ sư IT (Công nghệ thông tin) thành 1 triệu kỹ sư AI (Trí tuệ nhân tạo) thì Việt Nam sẽ đứng hàng đầu thế giới. Câu chuyện thay đổi đến như vậy".
"FPT trong quá khứ liên tục bắt chước Ấn Độ. Cỡ 2013, chúng tôi bắt đầu rẽ nhánh sang chuyển đổi số và đã rẽ nhánh thành công. Tiếp theo, có thể chúng ta sẽ đi đầu. Đó không chỉ là tương lai của FPT, mà tôi rất muốn đó là tương lai của Việt Nam", ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, làn sóng chuyển đổi trí tuệ mới chỉ bắt đầu, và sẽ rõ ràng hơn trong 5 – 10 năm tới, một ví dụ điển hình là kế hoạch nhà máy không người của Samsung.
Theo ETNews, Samsung đặt mục tiêu sẽ triển khai những nhà máy sản xuất chip không có nhân viên đầu tiên vào năm 2030. Chiến lược xây dựng nhà máy tự động của Samsung tập trung vào việc phát triển một hệ sinh thái sản xuất dựa trên AI. Công ty sẽ tập trung vào kiểm soát chất lượng sản phẩm và quản lý quy trình công nghệ.
"Rất nhiều cuộc chuyển đổi đã làm cho thế giới chóng mặt, và trong cái chóng mặt ấy, có một điểm Thủ tướng nước ta đã nói: 'Đây là nơi trú bão an toàn nhất'".
"Vấn đề lớn nhất là Việt Nam có nắm bắt được cơ hội hay không. Tất cả người FPT chúng tôi bàn hàng ngày phải làm gì để người ta không chờ mình. Cơ hội không chờ ai hết. 25 năm qua từ số 0 đã xây được con số hàng tỷ, ngày xưa không có vị thế chúng ta còn dấn thân làm được, ngày nay cơ hội đến và họ đã chỉ cho mình, mình không làm được quả thực là tội lỗi", ông Bình nói.