Petrolimex (PLX) báo lãi hơn 1.000 tỷ, tăng 70% so với cùng kỳ, cầm hơn 25.000 tỷ tiền nhàn rỗi

Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil - những nhà phân phối xăng dầu lớn đã bị thu hồi giấy phép - là một vấn đề khiến SSI Research cho rằng Petrolimex sẽ có cơ hội giành thêm thị phần trên thị trường.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2024 ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% so với cùng kỳ đạt 75.106 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 4.669 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Trừ đi các chi phí, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.441 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.133 tỷ, tăng 70% so với cùng kỳ.

Petrolimex cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 là do hiệu quả từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Tập đoàn về cơ bản ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Theo Petrolimex, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm; nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.

Lợi nhuận hoạt động tài chính cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do: nhận cổ tức được chia mà cùng kỳ không có; hiệu quả khi sử dụng các hợp đồng bảo hiểm tỷ giá đã hạn chế rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá; và kinh doanh đạt hiệu quả tốt đã làm gia tăng dòng tiền thuần và tăng lãi tiền gửi khi sử dụng dòng tiền thuần so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Petrolimex đạt 80.732 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng khoảng 25.086 tỷ đồng, giảm 3.530 tỷ đồng so với hồi đầu năm. 

Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả ở mức 50.419 tỷ đồng, giảm 54 tỷ đồng so với đầu năm, tổng nợ vay ở mức 16.624 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 30.313 tỷ đồng.

photo-1714619171636

Báo cáo của SSI Research kỳ vọng năm 2024, Petrolimex sẽ có cơ hội giành thêm thị phần, nhờ việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu.

Thứ nhất, Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil là những nhà phân phối xăng dầu lớn với tổng doanh thu khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 đã bị thu hồi giấy phép và dừng việc thông quan xăng dầu do không đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối xăng dầu và có các vi phạm liên quan đến nợ thuế, hay sử dụng sai quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thứ hai, Petrolimex cũng có thể được hưởng lợi từ việc Chính phủ yêu cầu các đại lý bán lẻ phát hành hóa đơn điện tử cho từng giao dịch nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành xăng dầu Việt Nam.

Hiện tại theo ước tính mới chỉ có khoảng 36% trong số 17.000 đơn vị bán lẻ trong nước phát hành hóa đơn điện tử vào đầu tháng 2. Các cửa hàng xăng dầu không phát hành hóa đơn điện tử có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Trong khi đó, Petrolimex là đơn vị tiên phong phát hành hóa đơn điện tử và đã triển khai hệ thống này tại 2.700 điểm bán lẻ của doanh nghiệp từ giữa năm 2023. Do đó, quy định mới có thể giúp Petrolimex giành được thị phần trong thời gian tới.

 

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT