Phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của nhóm ngân hàng cổ phần vẫn lên tới gần 40%
Trong năm 2023, Top 5 đơn vị phát hành nhiều trái phiếu nhất đều là các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã giảm về 27,74% từ mức 28,39% ghi nhận vào cuối tháng 9.
Trong đó, tỷ lệ này tại nhóm NHTM Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, CBBank, GP Bank, OceanBank) giảm từ mức 24,31% xuống còn 22,77%; còn nhóm NHTM cổ phần lại tăng từ 39% lên 39,87%.
Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10.
Như vậy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bình quân của nhóm NHTM cổ phần tại thời điểm cuối năm 2023 đã cao hơn gần 10 điểm % so với mức trần quy định. Tình trạng này khiến nhóm NHTM cổ phần chịu áp lực lớn trong việc cơ cấu lại nguồn vốn và dư nợ cho vay. Trong khi đó, các NHTM Nhà nước có phần "thoải mái" hơn trong hoạt động cho vay trung dài hạn.
Theo giới phân tích, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức cao so với trần quy định sẽ thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trung dài hạn thông qua phát hành giấy tờ có giá, đặc biệt là trái phiếu để xử lý tỷ lệ này.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, có tới 44/55 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 12/2023 là của các ngân hàng thương mại. Tính cả năm 2023, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Còn theo thống kê của chứng khoán MB, giá trí trái phiếu mà các ngân hàng phát hành năm 2023 đã tăng 31% so với năm 2022, với lãi suất bình quân gia quyền ước tính 6,5%/năm và kỳ hạn bình quân là 4,7 năm. Top 5 đơn vị phát hành nhiều trái phiếu nhất năm 2023 đều là các ngân hàng thương mại cổ phần, gồm: Techcombank (23.500 tỷ đồng), OCB (22.350 tỷ đồng), LPBank (19.640 tỷ đồng), ACB (18.900 tỷ đồng), TPBank (15.339 tỷ đồng).
Mặt khác, dữ liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi của toàn hệ thống là 76,04%. Trong đó, tại nhóm NHTM Nhà nước là 80,85%; nhóm NHTM Cổ phần là 77,9%; nhóm NH Liên doanh, nước ngoài là 41,79%.