Phenikaa Group của doanh nhân Hồ Xuân Năng 'hút' 900 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Phenikaa Group vừa phát hành thành công 2 lô trái phiếu PKACH2330001 và PKACH2330002 cùng có kỳ hạn 7 năm, qua đó huy động được 900 tỷ đồng với lãi suất lần lượt ở mức 6,2% và 5,87%/năm.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group, trụ sở chính tại 167 Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) vừa công bố phát hành thành công 6.000 trái phiếu có mã PKACH2330001 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu trong ngày 14/12/2023.
Giá trị phát hành là 600 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm. Các thông tin về trái chủ, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo,..không được công bố. Tuy nhiên, theo thông tin trên HNX, lô trái phiếu này có lãi suất 6,2%/năm.
Cũng trong ngày 14/12/2023, Phenikaa Group phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu mã PKACH2330002, kỳ hạn 7 năm; lãi suất phát hành là 5,87%.
Theo tìm hiểu của PV, trước khi phát hành 2 lô trái phiếu nói trên chỉ 1 ngày (13/12/2023), Phenikaa đã mang quyền mua cổ phần, khoản cổ tức, lợi ích, khoản tiền nhận được hoặc sẽ nhận được liên quan tới 28 triệu cổ phần trong Công ty CP Vicostone (MCK: VCS) thế chấp tại Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF)- quỹ ủy thác có liên quan đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Về Phenikaa Group, tập đoàn này được thành lập vào tháng 10/2010 với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm: Nghiêm Thị Ngọc Diệp (99%), Phạm Hùng (0,5%) và Phạm Thị Thu Hằng (0,5%).
Tháng 2/2017, vốn điều lệ của Phenikaa tăng lên mức 1.600 tỷ đồng và chỉ 10 tháng sau đó, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2019 số vốn điều lệ của Phenikaa là 3.000 tỷ đồng, chi tiết cổ đông không được đề cập.
Hiện tại, doanh nhân Hồ Xuân Năng (SN 1964, thường được gọi với biệt danh Năng "Do Thái") là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phenikaa.
Tập đoàn Phenikaa của đại gia gốc Nam Định Hồ Xuân Năng hiện sở hữu "hệ sinh thái" với hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực chính, gồm: công nghệ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học.
Tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt trường Đại học Phenikaa (tiền thân là trường Đại học Thành Tây) và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Phenikaa cũng lấn sân sang mảng bất động sản với dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp Skyline West Lake (đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Trong số những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của đại gia Năng "Do Thái" phải kể đến CTCP Vicostone (MCK: VCS) - chủ sở hữu thương hiệu đá thạch anh Vicostone.
Đây cũng chính là doanh nghiệp làm nên tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng và đưa vị doanh nhân sinh năm 1964 này vào Top người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ.
Về tình hình kinh doanh của Vicostone, theo BCTC hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong kỳ là 1.028 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Do tiết giảm giá vốn cùng một số khoản chi phí nên lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 2%, về mức 195 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Vicostone, hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ những yếu tố vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, lạm phát dù giảm so với năm trước song vẫn ở mức cao, điều kiện tài chính thắt chặt, lãi suất cho vay đổi với doanh nghiệp và hộ gia đình tăng làm cho chi tiêu giảm. Doanh thu bán hàng của công ty bị suy giảm do sản phẩm không phải hàng hoá thiết yếu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vicostone ghi nhận doanh thuần đạt 3.200 tỷ đồng, giảm 28%; lãi ròng ở mức 609 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vicostone giảm 153 tỷ so với đầu năm, còn 6.437,4 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chiếm đến 42% tổng tài sản, ở mức 2.699 tỷ đồng.
Ngoài Vicostone, đại gia Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác như: Trường Đại học Phenikaa, CTCP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, CTCP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, CTCP Điện tử Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, CTCP Phenikaa-X,..