Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Từ vùng đất trù phú đến thách thức ngập mặn - Tây Nam Bộ cần cú hích từ doanh nghiệp tư nhân

Chiều 9/7, tại tỉnh An Giang, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì chính thức khai mạc phiên đối thoại khu vực đầu tiên.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Từ vùng đất trù phú đến thách thức ngập mặn - Tây Nam Bộ cần cú hích từ doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam,Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025

Chia sẻ tại phiên đối thoại, bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam,Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025 cho biết Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và điều chỉnh địa giới hành chính với quy mô chưa từng có, mở ra kỳ vọng về một nền quản trị quốc gia hiệu lực hơn, linh hoạt hơn, kiến tạo hơn.

Trong chính bối cảnh chuyển động lớn ấy, khu vực kinh tế tư nhân - với bản chất linh hoạt, sáng tạo, năng động - đang đứng trước một "thời cơ vàng" để khẳng định vai trò, vươn mình trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết Nghị quyết 68/CP đã nhấn mạnh đến sự quan trọng kinh tế tư nhân, trong đó đặc biệt vai trò lớn của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế chung của kinh tế quốc gia.

Theo bà Huệ, hiện khu vực Tây Nam Bộ là vùng đất nổi tiếng với nhiều vùng đồng bằng sản xuất trồng lúa gạo, xuất khẩu chiếm tỉ lệ hơn 50% trên cả nước. Tuy nhiên, với góc nhìn của cá nhân, bà cho biết khu vực này đang gặp nhiều thách thức trong phát triển.

Cụ thể, khu vực Tây Nam Bộ được đánh giá là chi phí cho logistic còn quá lớn, nhất là chi phí trong vận tải. Điều này không những ảnh hưởng đến việc khai thác nông sản, thuỷ hải sản mà còn làm tăng xả thải ra môi trường.

Tây Nam Bộ là vùng đất đai trù phú, người dân có đặc điểm hào sảng, chân thành nhưng dễ bằng lòng với điều kiện sống, tính vượt khó không cao, phát huy năng lực học tập, cải tiến.

Các doanh nghiệp tại đây cũng ít vận dụng chính sách trong kinh doanh, tăng tính kết nối vùng, kết nối hạ tầng, kiến nghị các chính sách đặc thù.

"Cách đây 3 năm, doanh nghiệp của tôi có dịp tham gia đầu tư liên kết vùng, nên đã có một đơn vị nước ngoài nghiên cứu thị trường tại đây. Sau khi nghiên cứu khá lâu, nhận được bảng kết quả đã khiến tôi bất ngờ và thấy rất buồn. Nghiên cứu cho thấy sau 30 năm, đã có nhiều biến đổi khí hậu , ngập mặn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất đai, đời sống… nhiều khó khăn được dự báo cho mảnh đất vốn được xem là được thiên nhiên ưu đãi", bà Huệ nêu thực trạng.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Từ vùng đất trù phú đến thách thức ngập mặn - Tây Nam Bộ cần cú hích từ doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 2.

Vị này cho biết bối cảnh đó cũng đặt ra cho các đơn vị kinh tế tư nhân phải làm gì để có thể thích ứng, vượt qua và "biến nguy thành cơ" như thế nào cho phù hợp.

Bà nhấn mạnh việc doanh nghiệp phải thiết lập được "bộ tứ năng lực": tái cấu trúc và thay đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ để đưa vào sản xuất, tăng giá trị nông sản thay đổi xuất thô thành xuất tinh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dễ nhận diện và có uy tín.

"Diễn đàn lần này không phải kêu khó, chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội qua đó các doanh nghiệp cũng phải thiết lập bộ tứ năng lực để phù hợp với kinh tế tư nhân. Trong đó việc học tập suốt đời phải được đặt lên hàng đầu, học tập để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số…làm sao vùng Tây Nam Bộ phải được nhiều người biết đến như vùng đất trù phù, giàu đẹp", bà nói.

Đóng góp ý kiến kiến tạo thể chế, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ủng hộ không hình sự hoá các hoạt động kinh tế, nhưng không ủng hộ bỏ hẳn, phải có sự thượng tôn pháp luật là điều đặt lên hàng đầu, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 với chủ đề "Khai phóng tiềm năng - Kiến tạo tương lai Việt" được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 9 trên quy mô toàn quốc, được thiết kế ba vòng: từ địa phương đến Trung ương, từ doanh nghiệp đến Chính phủ, từ thực tiễn đến thể chế.

Diễn đàn hiện thực hóa tinh thần của "bộ tứ nghị quyết chiến lược" do Bộ Chính trị vừa ban hành: Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

"Chúng tôi mong muốn Diễn đàn không chỉ dừng lại ở phản ánh thực trạng, mà phải trở thành một nơi kết tinh tiếng nói doanh nghiệp, soi chiếu vào hệ thống chính sách, hình thành nên các nhóm kiến nghị có giá trị chiến lược trên 4 trụ cột quan trọng, cũng là 4 "điểm tựa phát triển" của kinh tế tư nhân thời kỳ mới: gồm: Tự chủ chuỗi giá trị, Thể chế kiến tạo, Năng lực chiến lược, Toàn cầu hóa giá trị Việt", bà Phạm Thị Bích Huệ nhấn mạnh. 

Phan Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT