Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng: Một số đối tượng đã lợi dụng sự kiện xác thực sinh trắc học để triển khai phương thức lừa đảo
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, ngay khi chúng ta triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN , một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân.
Từ ngày 01/7/2024, các ngân hàng đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN . Tuy nhiên, lợi dụng việc một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của họ.
Thủ đoạn của đối tượng là gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp Căn cước công dân. Ngoài ra đối tượng còn yêu cầu gọi video xác thực khuôn mặt, thu thập giọng nói, cử chỉ.
Chưa dừng lại, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Những thông tin này sau đó sẽ bị các đối tượng sử dụng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.
Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, đề nghị người dân cảnh giác không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Người dân nên cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng...cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Do vậy, người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 4/7, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an cũng rất trông đợi việc ngành ngân hàng áp dụng Quyết định 2345 về áp dụng sinh trắc học. "Việc triển khai Quyết định 2345 là hết sức ý nghĩa, có ích cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng, cho an ninh xã hội nói chung".
"Chúng tôi không nói là chặn hết được, nhưng đây là một trong những giải pháp có tính căn cơ, tác động lớn nhất tới tình hình tội phạm lừa đảo lúc này", ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Tùng, với bối cảnh các hoạt động thanh toán phát triển như hiện nay thì hầu hết các tội phạm đều liên quan đến tài khoản ngân hàng. Nếu chúng ta không quản lý được việc mở tài khoản ngân hàng, không quản lý được tài khoản chính chủ thì bất kỳ loại tội phạm nào cũng có thể lợi dụng hoạt động thanh toán để giúp cho hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Tùng, ngay khi chúng ta triển khai chính sách mới, sự kiện mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân.
"Các đối tượng này lợi dụng sự kiện mới nhanh chóng triển khai phương thức lừa đảo. Do đó, khi Quyết định 2345 đi vào thực tiễn vẫn cần tiếp tục rà soát và có các biện pháp ứng phó, các ngân hàng cần phát triển phân tích dữ liệu lớn về việc sử dụng tài khoản của khách hàng để nhận biết dấu hiệu lừa đảo, kịp thời cảnh báo", ông Hùng cho hay.
Đánh giá sự xuất hiện và mức độ gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề nghị, NHNN và các NHTM quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN, đảm bảo người chuyển tiền là chính chủ. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai quy trình phối hợp liên ngành Bộ Công an – NHNN – NHTM. Đồng thời, kết nối nền tảng cơ sở dữ liệu về tài khoản liên quan đến hoạt động văn bản pháp luật, hệ thống văn bản điện tử của Bộ Công an, NHNN.
Ngoài ra, các ngân hàng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên,khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.