Phó Thống đốc NHNN: Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế
Trong khi đó, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức chiều nay 22/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú nhận định thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Phó Thống đốc, nhiều tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Phó Thống đốc cũng cho biết, sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022.
NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Đại diện một ngân hàng tại sự kiện, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Chiến lược OCB cho biết, để đạt được các tiêu chí "greenbank" (ngân hàng xanh), phải đạt được về việc phát triển danh mục cho vay khách hàng xanh. Trong các hoạt động, các chi nhánh, phòng giao dịch của OCB cũng phải đạt được việc tiết kiệm năng lượng. Với sự tuyên bố này, bản thân ban lãnh đạo, HĐQT cho đến ban điều hành và nhân viên ngân hàng đều đồng nhất chung tay quyết tâm đạt mục tiêu này.
"Chúng tôi có kế hoạch lộ trình triển khai rõ ràng với từng sáng kiến cho từng quý, từng năm để đạt được những mục tiêu này. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng giải pháp tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng của chúng tôi như hợp tác để xây dựng sản phẩm cho vay xanh với nhóm bất động sản có chương trình "greenbuilding", cho vay đơn vị đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời, cho vay mảng logistic… Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng platform số hóa để có bài đánh giá sơ bộ ESG của doanh nghiệp để cải thiện các chỉ số đó cần có các chuyên gia… Đây là những giải pháp phi tài chính", ông Ngô Bình Nguyên nói.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho hay, với các khoản vay xanh không có gì khác so với khoản vay dự án thông thường, ngân hàng sẽ xem xét sản phẩm của doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì cho khách hàng, các yếu tố quản trị rủi ro của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro môi trường… cũng được xem xét trọng yếu hơn. Một yếu tố quan trọng khác để ra quyết định cho vay là hiệu quả của dự án. Để vay nguồn vốn của ngân hàng, ngay trong ngắn hạn, doanh nghiệp cũng phải có mức độ hiệu quả về tài chính nhất định bên cạnh các hiệu quả phi tài chính. Khi tiếp cận các khoản vay vốn xanh của ngân hàng, doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, cần xây dựng và thiết kế ngay trong giai đoạn đầu tiên. Ví dụ như dự án bất động sản, ngay trong giai đoạn thiết kế, chuẩn bị phương án đấu thầu, triển khai… đã phải có các bài toán về việc thực hành ESG vào từng khâu ra sao. Điều đó mới khiến dự án có hiệu quả trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.