"Học chơi piano tốn rất nhiều tiền. Hiện tại nền kinh tế đang rất tồi tệ. Thép tốt thì nên được dùng cho lưỡi kiếm nên tôi cần chi tiêu ngân sách hạn chế của mình một cách tiết kiệm hơn", cô Rosie sống ở Bắc Kinh-Trung Quốc nói.
Cô Rosie là một chuyên gia tổ chức các chuyến du lịch quốc tế tại Trung Quốc và công việc kinh doanh ảm đạm khiến người mẹ này chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy lớp học piano hàng tuần cho cô con gái 7 tuổi của mình trong năm nay.
Chồng cô Rosie làm ngân hàng nhưng lương thưởng cũng bị giảm một nửa do chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát với mảng tài chính.
Vậy là giờ đây, môn piano từ biểu tượng của giới thượng lưu, giàu có và địa vị xã hội nhưng lại đang mất dần sức hút, bị những người như cô Rosie vứt bỏ vì tốn thời gian lẫn tiền bạc.
Hậu quả của sự thay đổi này là ngành bán đàn piano đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy bất chấp Trung Quốc từng là nơi có nhiều học viên nhất với hơn 60 triệu người.
Lãng phí?
"Thật lãng phí thời gian và tiền bạc", cô Lucy Cheng, người đã bỏ 13.000 USD mua đàn piano cho con mình nói.
Người mẹ này đã chi 28-53 USD/tuần cho con theo học piano với kỳ vọng chúng sẽ đoạt giải kỳ thi âm nhạc. Thế nhưng sau khi lương của người chồng làm trong ngành công nghệ bị cắt giảm thì việc từ bỏ đánh đàn là điều hiển nhiên.
Thị trường việc làm ảm đạm và khủng hoảng bất động sản đang đè nặng lên tầng lớp trung lưu Trung Quốc bởi sở hữu bất động sản chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng giá trị tài sản ròng tại đây so với các nền kinh tế khác.
Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy giá nhà cứ giảm 5% sẽ làm bốc hơi 19 nghìn tỷ Nhân dân tệ tài sản của người dân.
"Tâm lý các hộ gia đình Trung Quốc rất tiêu cực khi giá nhà giảm khiến tài sản của họ bị mất giá", chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia Herrero của Natixis khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đánh giá.
Quay trở lại với nghề dạy đàn, giáo viên piano Liu Tingting ở Bắc Kinh cho biết thị trường đang ngày một ảm đạm hơn khi nhiều phụ huynh từ bỏ cho con mình theo học đàn.
Trước đại dịch, cô Liu có khoảng 12 lớp vào mỗi thứ 7 hàng tuần nhưng con số này chỉ còn 4 lớp vào năm 2023.
"Nhiều phụ huynh mua gói rẻ hơn, ngắn hạn hơn hoặc thậm chí từ bỏ ngay cả khi lớp chưa kết thúc", cô Liu ngậm ngùi.
Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia cho rằng dân số lão hóa nhanh cùng tỷ lệ sinh thấp đang khiến lượng nhu cầu học đàn của trẻ em suy giảm, bên cạnh lý do sụt giảm thu nhập của các hộ gia đình.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm trong 7 năm liên tiếp, khiến số trẻ em tại nước này đang ngày càng ít đi.
Tồi tệ hơn, xu thế học đòi giới thượng lưu Phương Tây cũng đã giảm dần trong những năm gần đây khi xung đột thương mại bùng nổ và chính phủ kêu gọi người dân nâng cao tinh thần dân tộc.
Bởi vậy, ngày càng nhiều phụ huynh đăng ký cho con học nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, một loại đàn tam thập lục có lịch sử khoảng 2.000 năm tại Trung Quốc.
Thêm nữa, áp lực học tập quá nặng nề cũng khiến nhiều phụ huynh đồng ý cho con bỏ piano.
"Con tôi cần nhiều thời gian hơn cho các khóa học ở trường. Nếu phải tham gia hoạt động ngoại khóa thì tôi sẽ chọn một môn thể thao thay vì piano", cô Rosie nói.
Thê thảm
Quay ngược dòng lịch sử, tình yêu với đàn piano của người Trung Quốc đã xuất hiện từ vài chục năm trước. Tuy nhiên chỉ đến khi kinh tế bùng nổ thì văn hóa học đòi trở thành giới thượng lưu mới kích thích doanh số bán đàn piano khi các gia đình đua nhau cho con đi học thêm.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc khuyến khích giới trẻ học thêm nhạc cụ, phát triển các kỹ năng mềm bên cạnh lớp học chính cũng thúc đẩy ngành bán và dạy đàn piano.
Trong vài thập niên qua, những học sinh có chứng chỉ nâng cao về piano cổ điển tại Trung Quốc có thể nhận về điểm thưởng cộng thêm cho kỳ thi tuyển sinh đại học vốn cực kỳ căng thẳng.
Chính những nguyên nhân này đã thúc đẩy phong trào học đàn ở Trung Quốc.
Giáo sư Fang Baili ở Nhạc viện Thượng Hải cho hay vào năm 2021, Trung Quốc có đến 60 triệu người học đàn piano, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
"Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Steinway và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới", CEO Ron Losby của hãng sản xuất đàn piano nổi tiếng Steinway & Sons thừa nhận năm 2020.
Báo cáo của CMIA cho thấy tổng sản lượng sản xuất piano ở Trung Quốc mỗi năm đều vượt 300.000 chiếc trong khoảng 2003-2019.
Thế nhưng sau đại dịch, tình hình thị trường lại trở nên cực kỳ thê thảm.
Trả lời Tân Hoa Xã đầu tháng 2/2024, Chủ tịch Wang Shi Cheng của CMIA cũng phải thừa nhận rằng sự sụt giảm mạnh trên là do nhu cầu đối với những mặt hàng không thiết yếu của người tiêu dùng bị thu hẹp.
Một nhà sản xuất đàn piano lớn nhất Trung Quốc xin được giấu tên nói với giới truyền thông rằng doanh số của họ đang giảm với tỷ lệ 2 chữ số. Trong khi đó, Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc (CMIA) cho biết tổng sản lượng piano nội địa đã giảm 50% so với 4 năm trước đây xuống chỉ còn 190.000 chiếc.
Kinh tế giảm tốc, thị trường chứng khoán và bất động sản gặp khó khiến chẳng ai ở Trung Quốc thèm quan tâm đến việc học đánh đàn sao cho giống giới thượng lưu nữa.
Giờ đây, thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ, thu nhập giảm khiến các hộ gia đình tăng cường tiết kiệm, tích cực cắt giảm các khoản mua sắm lớn không cần thiết để đề phòng rủi ro khủng hoảng diễn ra.
"Tình hình năm 2023 vốn đã khó khăn nhưng doanh số năm nay còn thê thảm hơn nữa. Nhiều người cùng ngành trong vùng Luoshe của chúng tôi đã phải đóng cửa kinh doanh", ông Yao, chủ nhà máy sản xuất piano Girod tại Luoshe than thở.
Theo một cuộc khảo sát do đại học SUFE và Alipay thực hiện, chỉ số về sự giàu có và thu nhập của hộ gia đình Trung Quốc đã giảm trong 3 tháng cuối năm 2023. Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ hộ gia đình dự đoán kinh tế sẽ xấu đi trong năm 2024 đã tăng từ 13% quý I/2023 lên 22% quý IV/2023.
"Cũng giống như những hàng hóa khác, bao gồm ô tô hay đồ gia dụng, doanh số bán đàn piano chịu tổn thương nặng nề vì suy giảm thu nhập và nỗi lo của người tiêu dùng với nền kinh tế", chiến lược gia cấp cao Xing Zhaopeng của ngân hàng ANZ nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng các tiêu chuẩn giáo dục thay đổi ở Trung Quốc khi văn hóa Phương Tây không còn được coi trọng như trước, cùng với yếu tố dân số ngày càng thu hẹp do tỷ lệ sinh đi xuống sẽ khiến xu thế lụi tàn của ngành bán đàn piano khó đảo ngược.
10 năm lụi tàn?
Hiện nay dù ngành bán đàn piano giảm giá mạnh nhưng cũng chẳng đủ thu hút người mua.
Tại một phòng trưng bày piano ở Bắc Kinh đầu tháng 2/2024, giá bán piano đã giảm tới 30% nhưng vẫn chẳng có ai thèm vào xem.
"Tôi chưa từng thấy mức giảm giá nào lớn như vậy suốt hơn 10 năm làm việc trong ngành", một trợ lý cửa hàng họ Tang cho biết khi nói rằng doanh số bán hàng vào năm 2023 còn tệ hơn cả thời kỳ đại dịch.
Hai hãng sản xuất đàn piano chiếm một nửa tổng sản lượng ở Trung Quốc là Pearl River Piano và Hailun Piano mới đây đều đã cảnh báo về tình hình kinh doanh tiếp tục bi đát trong năm 2024.
Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 3/2024 của tập đoàn quốc doanh Pearl River cho thấy hãng này gần như hòa vốn trong năm 2023.
Với Hailun, công ty này lỗ ròng đến 80 triệu Nhân dân tệ, tương đương 11,1 triệu USD trong năm qua, trái ngược hoàn toàn mức lợi nhuận 8 triệu Nhân dân tệ năm 2022.
Bước sang năm 2024, tổng doanh thu của 2 hãng bán đàn piano nổi tiếng trên trong quý I đã giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có khoản lỗ khổng lồ.
"Chúng tôi có thể thấy tình hình đang tệ đi nhưng không ngờ mọi thứ tại có thể tệ đến mức này", giáo viên dạy piano Deng Shurou tại Thượng Hải ngậm ngùi nói.
Rõ ràng, ngành bán đàn piano đã qua thời hoàng kim và khó có thể quay trở lại nữa.
*Nguồn: Tổng hợp
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn