Ngày 21/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN, sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới.
Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. "Mục tiêu lớn là giảm lỗ, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024", ông Hòa nói.
Dự kiến năm 2024, Vietnam Airlines vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so 2023 và bằng 99% so 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng kỳ và bằng 84,4% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.
Vietnam Airlines thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay. Hãng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế Công ty Mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2024, Vietnam Airlines triển khai các giải pháp đồng bộ trên mọi mặt sản xuất kinh doanh. Hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á trong năm 2024. Đối với thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch. Tổng công ty chủ động xây dựng các phương án điều hành theo các kịch bản kế hoạch, nâng cao năng lực quản trị điều hành sản phẩm và giá cả.
Một vấn đề được quan tâm tại đại hội đó là tình hình các động cơ PW1100 của Pratt & Whitney trên các máy bay Airbus A321/320 NEO bị triệu hồi đầu năm nay.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, thị trường hàng không đã qua giai đoạn khó khăn lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
"Khó khăn hiện nay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch", ông Hà nói.
Vietnam Airlines có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng tiếp 6 chiếc. Ngoài ra còn một số động cơ của các hãng khác trên các máy bay Boeing cũng phải đem đi sửa chữa trong bối cảnh nguồn nhân lực của Vietnam Airlines còn hạn chế. Việc sửa chữa các động cơ này có khả năng kéo dài dẫn đến tổng lượng máy bay cung ứng giảm khoảng 20%.
"Pratt & Whitney thông báo trong năm 2024 sẽ thu hồi hơn 3.000 động cơ trên các máy bay, việc sửa chữa các động cơ này sẽ kéo dài đến 200 ngày vì vậy, tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2025", Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thông tin.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đang tích cực làm việc với nhà sản xuất động cơ PW về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng, đồng thời giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các chặng bay chính. Hiện số giờ bay của đội bay được tăng từ 15-20%, giúp phần nào bù đắp được việc thiếu máy bay.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, Đại hội đồng cổ đông năm ngoái đã thông qua việc bán 6 tàu A321CEO để đổi mới đội tàu bay nhằm tiết kiệm chi phí, và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu máy bay gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines phải thực thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh lý đội tàu bay A321CEO, bao gồm lùi lịch bán 6 tàu bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu tàu bay của hãng.
Để bù đắp thiếu hụt máy bay, hãng hàng không quốc gia cũng đang xem xét và quan tâm đến các dòng máy bay C1909 của Comac, Trung Quốc và có đề án để khai thác đội tàu bay này trong thời gian tới.
Về lâu dài, Vietnam Airlines đang hoàn thiện kế hoạch phát triển đội bay trong giai đoạn 2025-2030, đẩy nhanh tốc độ mua 50 tàu bay thân hẹp sau năm 2030.
Vào ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1/2024 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.
Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, các bộ phận cần kiểm tra và thay thế trên động cơ PW 1100 G là đĩa máy nén cao áp và đĩa tuabin cao áp, để thực hiện kiểm tra, động cơ được tháo khỏi máy bay. Tiếp đó sẽ tháo rời động cơ để siêu âm kiểm tra khiếm khuyết, thay thế bộ phận bị lỗi (nếu có) rồi lắp ráp lại trước khi gắn lên máy bay. Quá trình trên dự kiến mất từ 250 - 300 ngày cho mỗi động cơ.
Theo yêu cầu của nhà máy chế tạo động cơ PW, 44 máy bay Airbus A321 NEO tại Việt Nam sẽ có một số máy bay phải tháo động cơ để đưa đi kiểm tra sớm hơn kế hoạch trong đó Vietnam Airlines có gần 20 máy bay và Vietjet có 24 chiếc.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/11-may-bay-airbus-bi-trieu-hoi-dong-co-vietnam-airlines-neu-phuong-an-khac-phuc-20516637.htm