Theo thống kê chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 8 đã có 13 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ tháng 7 đến nay không còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất tiết kiệm từ 8%/năm.
Trong hôm nay (ngày 7/8) thêm 3 ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất huy động các kỳ hạn. Trong đó, Techcombank đã có lần thứ hai giảm mạnh lãi suất huy động với tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, trên kênh gửi tiền online số tiền dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,35 điểm phần trăm còn 3,95%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6-36 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm còn 6,05%/năm.
Cùng kỳ hạn trên nhưng với tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở mới từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, khách hàng được cộng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 6,15%/năm.
Tương tự cùng kỳ hạn 6-36 tháng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất. Do đó, lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank là 6,25%/năm với số dư tiền gửi tối thiểu 3 tỷ đồng. Kỳ hạn từ 1-5 tháng, mức lãi suất chung 3,95%, không tính số lượng tiền gửi.
Cùng ngày, ACB cũng có lần thứ hai giảm lãi suất tiết kiệm. Lần này ngân hàng giảm 0,2 điểm phần trăm với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm kỳ hạn 6-9 tháng và 6,3%/năm kỳ hạn 12 tháng với tiền gửi dưới 100 triệu đồng.
Đối với tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất mới là 6,2%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Đối với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, lãi suất huy động là 6,4%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng, và 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất sẽ được cộng thêm 0,1 điểm phần trăm cho các kỳ hạn trên nếu số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên. Như vậy, mức lãi suất cao nhất tại ACB hiện chỉ còn 6,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với số dư tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng
Còn tại MSB, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống còn 4,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 6,3% xuống còn 5,9%/năm; và lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng giảm từ 6,4% xuống còn 6%/năm.
Tuy nhiên, MSB vẫn áp dụng “lãi suất đặc biệt” là 6,4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 6,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 - 15 - 24 tháng. Lãi suất đặc biệt chỉ được áp dụng cho khách hàng mới, mỗi khách hàng chỉ được phép có 1 sổ, tối đa 5 tỷ đồng.
Tính chung từ tháng 5 trở lại đây, NCB là ngân hàng có tần suất giảm lãi suất huy động lớn nhất, với 10 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tiếp theo là các ngân hàng VietA Bank và TPBank.
Trong khi HDBank, OCB, VPBank, và Sacombank cùng có qua 7 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Các ngân hàng BacA Bank, Eximbank, NamA Bank, VIB, và MSB cùng có 6 lần điều chỉnh.
Trong khi đó nhóm GPBank, Saigonbank, VietA Bank, Techcombank, KienLong Bank, BIDV, và VietinBank cũng 4 lần điều chỉnh lãi suất huy động trong 3 tháng trở lại đây.
Thực tế những ngân hàng nhiều lần điều chỉnh lãi suất tiết kiệm nhưng mức giảm thua xa những ngân hàng ít điều chỉnh. Ví dụ như VietinBank sau 5 lần hạ lãi suất đã cho thấy mức giảm thực chất nhất, giảm tới 2,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là ngân hàng có mức giảm sâu nhất trong hệ thống.
BIDV, VPBank, KienLong Bank và NamA Bank là nhóm ngân hàng có tổng mức giảm sâu khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm tới 1,9%/năm. Đây là nhóm ngân hàng có từ 5 – 7 lần công bố hạ lãi suất.
Tiếp đến là HDBank và OCB (cùng giảm 1,8%/năm); Vietcombank, MSB, và Agribank (cùng giảm 1,7%/năm).
Hay như LPBank, dù chỉ qua 3 lần điều chỉnh lãi suất nhưng lãi suất kỳ hạn 6 tháng của nhà băng này đã giảm tới 1,3%/năm.
Cần hiểu rằng, số lần điều chỉnh hay biên độ điều chỉnh lãi suất huy động còn tuỳ thuộc vào tính toán của từng ngân hàng, dựa trên nhu cầu huy động vốn, thanh khoản của ngân hàng, lãi suất cho vay, cũng như diễn biến thị trường.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/13-ngan-hang-giam-lai-suat-tiet-kiem-trong-tuan-dau-thang-8-2053271.htm