Bảo hiểm nhân thọ ngày càng được quan tâm như một phần trong kế hoạch tài chính cá nhân. Tuy nhiên, không ít người vẫn tham gia sản phẩm này với những kỳ vọng sai lệch – xem đây như một công cụ đầu tư sinh lời hoặc một hình thức tiết kiệm có thể linh hoạt rút vốn.
Chính hai ngộ nhận này là nguyên nhân khiến nhiều hợp đồng bị hủy bỏ sớm, người mua chịu thiệt hại tài chính, và đôi khi mất đi quyền lợi bảo vệ quan trọng nhất. Trước khi quyết định ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bạn cần hiểu rõ bản chất thật sự của sản phẩm này để đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp với mục tiêu tài chính của mình.
Bảo hiểm nhân thọ không phải là một kênh đầu tư
Bảo hiểm nhân thọ không được thiết kế để sinh lời hay cạnh tranh với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm. Mục tiêu cốt lõi của nó là bảo vệ tài chính cho người tham gia khi xảy ra các sự kiện rủi ro như tử vong, tai nạn nghiêm trọng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Một hợp đồng bảo hiểm là sự cam kết của công ty bảo hiểm rằng: Nếu người được bảo hiểm gặp rủi ro trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, một khoản tiền hỗ trợ sẽ được chi trả theo đúng điều khoản đã ký kết. Nhờ vậy, gia đình người tham gia sẽ có nền tảng tài chính để vượt qua biến cố mà không lâm vào khủng hoảng.
Một số sản phẩm bảo hiểm có tính năng tích lũy – tức là sau một khoảng thời gian như 10, 15 hoặc 20 năm, người tham gia sẽ nhận lại một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, khoản tiền này không được xem là lãi đầu tư theo nghĩa truyền thống. Vì mức sinh lời thường chỉ tương đương hoặc thậm chí thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng.
Việc kỳ vọng lợi nhuận cao từ bảo hiểm là điều không thực tế và dễ dẫn đến thất vọng. Khi đó, người mua có thể vội vàng hủy hợp đồng giữa chừng, dẫn đến việc mất toàn bộ hoặc phần lớn số tiền đã đóng – mà lại không còn quyền lợi bảo vệ nào nếu rủi ro thực sự xảy ra.
Bảo hiểm nhân thọ không phải rút lúc nào cũng được
Khác với đầu tư hay gửi tiết kiệm - khách hàng có thể quyết định rút vốn bất kỳ lúc nào, bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi tính cam kết lâu dài từ người tham gia, thông qua trách nhiệm đóng phí đều đặn và duy trì cho đến lúc đáo hạn. Vì thế, khi rút tiền bảo hiểm trước thời hạn, quyền lợi của bạn ít hay nhiều đều chịu ảnh hưởng.
Nếu rút tiền bảo hiểm trong hai năm đầu tiên: người tham gia không được hoàn trả phí bảo hiểm đã đóng.
Nếu rút tiền bảo hiểm sau hai năm tham gia và trước ngày đáo hạn hợp đồng: người tham gia có thể nhận được khoản tiền nhất định, nhưng chắc chắn thấp hơn so với số tiền đã đóng trước đó.
Nguyên nhân là do để hợp đồng bảo hiểm đạt được hiệu lực và duy trì quyền lợi cho người tham gia, công ty bảo hiểm phải chi trả nhiều phí vận hành liên quan, bao gồm: chi phí ban đầu, chi phí quản lý hợp đồng, chi phí bảo hiểm rủi ro, chi phí quản lý quỹ, chi phí hủy bỏ hợp đồng…
Luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định, kể từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại* mới tương đương với số phí người tham gia đã đóng. Nếu rút tiền bảo hiểm nhân thọ trước hạn trên, bên mua bảo hiểm có thể không được nhận giá trị hoàn lại như kỳ vọng.
Do vậy, nếu mục đích của bạn là đầu tư/ tiết kiệm trong ngắn hạn và trung hạn (5 - 6 năm) thì tốt nhất không nên mua bảo hiểm nhân thọ.
Tóm lại, bảo hiểm nhân thọ là một công cụ tài chính bảo vệ gia đình bạn trước những rủi ro trong cuộc sống, không phải một hình thức đầu tư hay tiết kiệm lãi suất cao. Nếu muốn mua bảo hiểm nhân thọ thì phải tìm hiểu thật kỹ, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Linh San (TH)
Nguyễn Đức Hải