2 tỉnh ở cửa ngõ Tây Bắc sở hữu “kho báu” hiếm có trên thế giới: Từ tỉnh nghèo đến mốc tăng trưởng kinh tế gấp trăm lần, động thái mới về làm sân bay

Hai tỉnh miền núi được quy hoạch là nơi dự trữ khoáng sản đất hiếm có kinh tế giàu tiềm năng và tăng trưởng vượt bậc thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, với 10 loại khoáng sản. Trong đó, huyện Bảo Yên, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái sẽ là hai khu vực dự trữ khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam

Cụ thể, khu vực Cam Cọn - Tân Thượng, tại huyện Bảo Yên và văn Bản, tỉnh Lào Cai, diện tích 18,9km2, có 285.000 tấn dự trữ; khu vực Đồng Tâm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có diện tích 29,4km2, có 160.000 tấn dự trữ (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Ngày 1/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái chuyển thuộc tỉnh Lào Cai. Tính từ mốc này, sau 30 năm tái lập, Lào Cai và Yên Bái đều có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế.

Lào Cai

Sau 30 năm tái lập, GRDP của Lào Cai tăng gấp gần 20 lần so với năm 1991, đạt 62.703 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 1991-2021 đạt gần 10%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 gần 10.000 tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991). Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 122 lần sau 30 năm nỗ lực phát triển, từ 680 nghìn đồng/người/năm lên 82,68 triệu đồng/người/năm.

Đến 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng đạt 3,52%, xếp thứ 9/14 tỉnh TDMNPB và xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố.

Lào Cai luôn nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Kết quả giải ngân đến hết ngày 30/9 đạt 55% kế hoạch năm và đạt 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 9/2023 ước đạt 5.028 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán Trung ương giao, bằng 41,9% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 74,3% cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 1,1% so với bình quân CK năm 2022.

Một trong những địa phương có số thu du lịch cao nhất cả nước thời gian qua có tên Lào Cai. 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt mức kỷ lục với trên 6,5 triệu lượt, đã vượt kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch từ đầu năm đến nay của Lào Cai đạt khoảng 19.842 tỷ đồng, đạt khoảng 96% kế hoạch năm.

2 tỉnh ở cửa ngõ Tây Bắc sở hữu “kho báu” hiếm có thứ hai thế giới: Từ tỉnh nghèo đến mốc tăng trưởng kinh tế gấp trăm lần, động thái mới về làm sân bay - Ảnh 1.

Lào Cai là một trong những tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản nhất Việt Nam với 35 loại khoáng sản khác nhau và trên 150 điểm mỏ. Trong đó có nhiều loại khoáng sản như apatít, đồng, sắt, graphít, nguyên liệu cho gốm, sứ, thuỷ tinh, đất hiếm… với trữ lượng lớn nhất cả nước. Một số mỏ có trữ lượng lớn dễ khai thác, dễ vận chuyển và đang có thị trường quốc tế đã tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến các loại khoáng sản ở địa phương.

Với đất hiếm, ngoài khu vực huyện Bảo Yên và Văn Bàn,các đất hiếm ở tỉnh này còn rải rác ở khu vực Bến Đền, huyện Bảo Thắng, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, TP Lào Cai. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 9 tháng đạt 31.508,67 tỷ đồng, bằng 61,66% so với kế hoạch, bằng 90,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hạ tầng, Lào Cai đã hoàn thành cơ bản việc kết nối hệ thống mạng lưới giao thông với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận (như đường sắt, đường sông, đường bộ, đường cao tốc và đang phấn đấu hoàn thành tuyến đường hàng không dân dụng). Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai và thông xe đưa vào sử dụng, cùng với xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Đáng chú ý, ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1773/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án cảng hàng không Sa Pa quy mô 4.183 tỷ đồng.

Cảng hàng không Sa Pa được quy hoạch nằm sát cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự kiến là sân bay lớn nhất Tây Bắc. Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 4 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc; ngoài ra tạo bước đột phá lớn về hạ tầng giao thông đối với tỉnh Lào Cai và Vùng trung du, miền núi phía bắc. Dự án đã được khởi công hơn 1 năm trước và đang trong quá trình xây dựng.

Yên Bái

Từ một tỉnh kém phát triển, đến nay, tỉnh Yên Bái đã bứt phá đi lên khẳng định vị thế là trung tâm liên kết phát triển vùng, là điểm sáng của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Năm 2021, đánh dấu 30 năm tái lập tỉnh, GRDP của tỉnh đạt 7,11% - mức tăng trưởng cao nhất trong 14 tỉnh miền núi Trung du phía Bắc.

Sau 30 năm, GRDP của tỉnh tăng hơn 60 lần, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 50 lần, thu ngân sách tăng 116 lần, giá trị xuất khẩu tăng 35 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 700 lần.

Còn trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế thành phố phát triển ổn định và tăng so với cùng kỳ, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế có bước tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2022.Tính đến tháng 9, Yên Bái giải ngân đạt 1.809 tỷ đồng/3.790,6 tỷ đồng kế hoạch, bằng 48% (cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 13/63 tỉnh thành).

Thực hiện thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng năm 2023 ước đạt trên 2.492,4 tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán Trung ương giao, bằng 47,9% dự toán tỉnh giao và bằng 89,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Yên Bái trong 9 tháng năm 2023 CPI tăng 1.6% so với cùng kỳ năm trước.

2 tỉnh ở cửa ngõ Tây Bắc sở hữu “kho báu” hiếm có thứ hai thế giới: Từ tỉnh nghèo đến mốc tăng trưởng kinh tế gấp trăm lần, động thái mới về làm sân bay - Ảnh 2.

Con số thu về trong ngành du lịch Yên Bái 10 tháng qua tăng mạnh cho với năm trước, đánh dấu cho sự phát triển của ngành du lịch - vốn chưa phải thế mạnh của tỉnh này. Cụ thể, 10 tháng năm 2023, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.481 tỷ đồng, bằng 109,7% kế hoạch, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 tháng, số lượng khách du lịch đến Yên Bái ước đạt gần 1,8 triệu người, bằng 119,5% kế hoạch, tăng 22,6% so với năm 2022.

Nằm trong vùng có cấu trúc địa chất phức tạp giữa Tây Bắc và Đông Bắc nên địa bàn tỉnh Yên Bái có điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nhiều loại mỏ khoáng sản. Tỉnh này có đủ các loại khoáng sản chính có ở Việt Nam, trừ apatit, bôxit, titan.

Các loại khoáng sản gồm: nhiên liệu (than các loại), khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì - kẽm, vàng, mangan,...), khoáng sản không kim loại (khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng: kaolin, felspat, thạch anh, grafit, talc, đá vôi trắng, đá làm vật liệu xây dựng, cát, sỏi...), khoáng sản quý hiếm (đá quý các loại) đến nước khoáng, nước nóng.

Đến nay, có khoảng 300 khu vực mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khoáng sản chưa được điều tra đánh giá mới chỉ được ghi nhận trong các công tác đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ. 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tăng 15,56%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,46%.

Đất hiếm được phát hiện tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, có quy mô trung bình. Tỷ lệ đất hiếm nhóm nặng cao. Mỏ đã được thăm dò và cấp phép khai thác, trữ lượng địa chất đã được thăm dò, đánh giá là trên 2,2 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng tinh quặng oxit đất hiếm TR2O3 là 27.681 tấn.

Về vị trí, Yên Bái là trung tâm kết nối giao thông của vùng TDMNPB và là cửa ngõ giao thông của vùng Tây Bắc, đầu mối trung chuyển hàng hóa thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh ĐBSH lên cửa khẩu Lào Cai. Nằm ở trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có 4 điểm đấu nối vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đây là cơ hội thuận lợi để Yên Bái phát triển kinh tế cấp vùng. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Yên Bái – Hà Giang chuẩn bị được đầu tư, tạo kết nối thuận lợi giữa Yên Bái và các tỉnh trong vùng TDMNPB.

Cuối tháng 12/2022, UBND tỉnh Yên Bái có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung sân bay Yên Bái vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Dự án được đề xuất là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp 2, có công suất dự kiến 0,8-1 triệu hành khách mỗi năm; hình thức đầu tư đối tác công tư.

Về vấn đề này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị tỉnh Yên Bái chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư và xây dựng đề án đầu tư xây dựng cảng hàng không dân dụng (khi có nhà đầu tư) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đề nghị hỗ trợ đầu tư các tuyến đường kết nối liên vùng trên địa bàn tỉnh, đường kết nối Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang), Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14) và dự án đường kết nối huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với huyện Yên Bình, TP.Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12), Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc sớm đầu tư các tuyến đường nêu trên.

Đất hiếm là một loại khoảng đặc biệt, vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tuabin gió…

Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam đang được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.


Nhật Minh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/2-tinh-o-cua-ngo-tay-bac-so-huu-kho-bau-hiem-co-tren-the-gioi-tu-tinh-ngheo-den-moc-tang-truong-kinh-te-gap-tram-lan-dong-thai-moi-ve-lam-san-bay-2055351.htm