The Asian Banker vừa công bố Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2023. Bảng xếp hạng được xây dựng dựa theo 6 tiêu chí liên quan đến hiệu quả của bảng cân đối kế toán: Quy mô tài sản, tốc độ tăng trưởng, quản trị rủi ro, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản và tính thanh khoản, với 14 yếu tố cụ thể. Một số chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn được xem xét như quy mô tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Tỷ lệ nợ xấu,...
Danh sách có sự góp mặt của 20 ngân hàng Việt Nam. Trong đó, TPBank tiếp tục có thứ hạng cao nhất (165/500). Trước đó, TPBank cũng dẫn đầu các ngân hàng Việt trong Top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương của The Asian Banker năm 2022.
Tuy điểm số về quy mô tổng tài sản không cao nhưng TPBank đạt điểm đánh giá cao về tiền gửi, thanh khoản, an toàn vốn, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu,…
Vietcombank đứng thứ hai sau TPBank ở thứ hạng 190 trong Top 500. Tiếp đến là các ngân hàng MB (thứ hạng 221), Techcombank (226), ACB (230), VietinBank (266), BIDV (275), LPBank (275), Agribank (288), Sacombank (299), SeABank (334), HDBank (366), VIB (340), MSB (349), SHB (358), VPBank (362), Eximbank (362), OCB (373), NamABank (379), PvcomBank (423).
Thứ hạng của các ngân hàng Việt sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Năm nay cũng không còn ngân hàng Việt nào lọt vào Top 100 trong khi năm 2022 có 3 ngân hàng là TPBank, Vietcombank và MB. Chỉ một số nhà băng cải thiện thứ hạng là LPBank, Sacombank, VIB, VPBank, Eximbank.
Năm nay, The Asian Banker cũng công bố Top 1000 ngân hàng mạnh nhất thế giới, trong đó có 443 ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngân hàng Việt có thứ hạng cao nhất là TPBank, được đánh giá xếp thứ 341/1000 ngân hàng.
So với năm 2022, danh sách ngân hàng Việt lọt vào Top 500 năm 2023 có thêm 2 gương mặt mới là NamABank và PVComBank. 2 ngân hàng này đứng cuối cùng trong các ngân hàng Việt và xếp thứ 379 và 423/500.
Hải Vân