Tiêu thụ bia chưa có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp tiêu biểu ngành bia đều báo cáo doanh thu giảm, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt.
Theo thống kê, sự sụt giảm liên tục khiến doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt xuống hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị sụt giảm nhiều nhất là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với doanh thu giảm từ 35,2 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống còn 30,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Theo Kantar, tâm lý người tiêu dùng có cải thiện nhẹ nhưng vẫn ở trạng thái thận trọng, qua đó các hộ gia đình tiếp tục cẩn trọng trong quản lý chi tiêu, cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng việc thực hiện gắt gao Nghị định 100 về Nồng độ cồn cũng góp phần gây áp lực lên người tiêu dùng.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng "kêu ca" việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn những tháng cuối năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty cũng chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, cùng với xu hướng tiêu dùng giảm.
Năm 2023, Habeco đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 356 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Bảo Việt cũng ước tính doanh thu của Heineken 9 tháng đầu năm 2023 sụt giảm chừng 15%.
Cùng với lực cầu yếu, thị trường bia tiếp tục chuyển dịch từ phân khúc cận cao cấp xuống phổ thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Qua đó, theo phân tích của Bảo Việt, Sabeco với sức mạnh vượt trội sẵn có trong phân khúc này với nhiều dòng sản phẩm như Lager, Export, 333, Lạc Việt… đã ghi nhận sụt giảm về doanh số ít hơn Heineken khi đối thủ phụ thuộc nhiều vào thương hiệu Tiger thuộc phân khúc cận cao cấp.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, tình hình của các doanh nghiệp càng gặp khó.
Nhìn nhận về tổng quan thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho biết thị trường tiêu thụ trong nước đã giảm 20% - 30%.
"2019 là năm đỉnh cao của ngành đồ uống nói chung và bia nói riêng. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5%-6%/năm. Nếu theo tốc độc tăng đó, đến 2022 ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019 nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10%-15%, năm 2022 giảm khoảng 5%-7% so với năm 2019. Năm 2023, ngành bia chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Từ nay đến cuối năm, thị trường bia vẫn còn rất ảm đạm", ông Việt nói.
Heineken, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, năm 2019 có công ty con lọt Top 5 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam), đứng trên cả Samsung lẫn Vinamilk. Đến năm 2020, công ty này tụt xuống hạng 9 trong danh sách. Trong bảng xếp hạng Top doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam cập nhật nhất (năm 2022), công ty con của Heineken tụt xuống hạng 19.
Bình An