Tháng 3, Tạp chí Đời sống và Pháp luật kỷ niệm 23 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001- 2/3/2024). Đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong tòa soạn Tạp chí Đời sống và Pháp luật ôn lại những kỷ niệm đã qua trong quá trình thắp lửa đam mê với nghề nghiệp và gắn bó với tập thể ngày càng lớn mạnh.
Trải qua 23 năm xây dựng và phát triển, Báo Đời sống và Pháp luật trước đây và Tạp chí Đời sống và Pháp luật ngày nay đã có những bước tiến lớn mạnh về mọi mặt.
Trong dòng chảy của cuộc công nghiệp cách mạng 4.0, người dùng đã dịch chuyển sang nền tảng số, môi trường mạng. Theo dòng chảy chung, chúng tôi đã xây dựng và phát triển nội dung trên các ấn phẩm điện tử, trong đó bên cạnh Tạp chí điện tử Người Đưa Tin (Tên miền: nguoiduatin.vn), còn có nhiều chuyên trang hấp dẫn, đặc sắc. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều bạn đọc tìm đến với báo in hàng ngày như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Để phụng sự nhu cầu đó, chúng tôi – những người làm báo vẫn cần mẫn đưa tới tay độc giả những trang báo giấy có màu thời gian nhưng đầy hơi thở của thời đại.
4h sáng hàng ngày, ông Phan Ngọc Long (SN 1965) – Đại lý phát hành báo và cũng là một độc giả trung thành của Tạp chí Đời sống và Pháp luật có mặt tại số 17 Lý Nam Đế để làm nhiệm vụ phát hành. Gần 20 năm gắn bó với Đời sống và Pháp luật là ngần ấy thời gian ông cảm nhận rõ rệt nhất về sự quan tâm của độc giả tới tờ báo.
“Tôi lựa chọn Tạp chí Đời sống và Pháp luật để phát hành đó là cái duyên, tôi tìm đến tạp chí xin làm đại lý phát hành khu vực miền Bắc vì nhận thấy tạp chí mà trước kia là báo có một phong cách riêng, nội dung hấp dẫn với nhiều loạt bài ấn tượng. Cứ thế, người làm công tác phát hành như tôi cũng được “thơm lây” vì độc giả chuyên tìm đọc Tạp chí Đời sống và Pháp luật”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho biết, là người chuyên phát hành báo in nên khoảng chục năm trở lại đây ông cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của độc giả. “Họ dịch chuyển dần lên mạng Internet nhiều hơn, lượng báo in giờ cũng giảm hơn nhiều so với trước. Còn riêng đối với Đời sống và Pháp luật tôi thấy sức mua ngày trước lớn, cũng thuộc một trong top các tờ báo lớn bán chạy”.
Hiện nay, những sạp báo ở Hà Nội đều có bán ấn phẩm Tạp chí Đời sống và Pháp luật như: Số 5 Hàng Trống, Cửa Nam, Quán Thánh, Phan Đình Phùng, 92 Hàng Bông...
Hàng ngày, sau mỗi giờ giao báo xong là ông Long lại nhâm nhi bên tách trà và đọc những bài viết trên Đời sống và Pháp luật. Ông Long cho biết, ông cũng là một trong những độc giả trung thành của Tạp chí Đời sống và Pháp luật. “Tôi mong báo ngày càng phát triển và đem đến nhiều thông tin hay, hấp dẫn đến với độc giả cả nước”, ông Long bày tỏ.
Trong tâm trí ông Nguyễn Đăng Động (76 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) những chiếc xe có gắn loa rao bán báo từ những năm trước đã để lại trong ông nhiều ấn tượng.
Ông nhớ lại ngày trước hay có những người bán báo dạo bằng xe đạp chở rất nhiều loại báo kèm với tiếng rao “Mời các bạn đón đọc báo An ninh Thủ đô, Báo Đời sống và Pháp luật...” là những câu “điểm báo” quen thuộc từ những năm về trước đã in sâu vào trong tâm trí của độc giả cả nước. “Hễ cứ nghe thấy tiếng rao báo là tôi phải chạy ra mua cho bằng được một tờ Đời sống và Pháp luật”, ông Động nói.
Ngày ấy, Đời sống và Pháp luật là một trong những tờ báo mà bạn bè của ông Động cũng thường tìm đọc. Bởi nội dung gần gũi với bạn đọc, có nhiều thông tin hay, hấp dẫn. “Qua đọc Tạp chí Đời sống và Pháp luật giúp tôi nắm được những thông tin chuẩn xác, những chính sách pháp luật gần gũi với người dân. Từ đó, có nhận thức đúng đắn về những vấn đề, sự kiện đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày và không bị phân tâm bởi những thông tin thất thiệt”, ông Động chia sẻ.
Cầm tờ Đời sống và Pháp luật trên tay, ông Động cho hay thường đọc những thông tin nóng trước, sau đó đọc những bài viết mang tính chuyên sâu, những chính sách pháp luật mới...
Là một độc giả trung thành của Đời sống và Pháp luật, ông Động đánh giá Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức trình bày, chất lượng các tác phẩm đã phản ánh nhanh nhạy, kịp thời các vấn đề mà dư luận quan tâm, có cái nhìn toàn cảnh mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế - xã hội...
Bà Phạm Thị Cúc (65 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là một trong những độc giả lâu năm của Đời sống và Pháp luật. “Tôi là độc giả của Tạp chí Đời sống và Pháp luật nhiều năm nay, lý do tôi chọn đọc là những năm trước tôi thường ra sạp báo và ấn tượng với tôi là một tờ báo được thiết kế đẹp mắt, dễ nhìn. Tôi mua về đọc và thấy nội dung rất hay, ấn tượng từ những bài viết liên quan đến pháp luật, rồi cả những câu chuyện đời sống quanh ta vô cùng gần gũi”, bà Cúc nói.
Từ đó đến nay, bà Cúc cũng không nhớ mình đã gắn bó với Đời sống và Pháp luật bao lâu nhưng chỉ biết rằng mỗi số báo ra là bà Cúc phải tìm mua bằng được. “Ngày ấy thông tin chưa thuận tiện như bây giờ, nên mua được một tờ báo là quý lắm, cả nhà truyền tay nhau đọc. Đọc xong thì lại cất giữ cẩn thận để sau muốn xem lại còn có cái để xem. Cứ thế, tôi và cả gia đình tôi đã trở thành bạn đọc thân thiết của Tạp chí Đời sống và Pháp luật”, bà Cúc chia sẻ và cho biết thêm hiện nay cũng ít người đọc báo in nhưng bà vẫn giữ thói quen mua báo và đọc báo hàng ngày.
Bà Cúc mong Tạp chí Đời sống và Pháp luật luôn phát triển và có thật nhiều thông tin hay, lý thú đến với bạn đọc gần xa.
Cũng là một trong những độc giả gắn bó với sự phát triển của Tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Lê Tư Hoàng (74 tuổi, Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết nhiều năm trước nhắc đến Đời sống và Pháp luật là không ai không biết.
Theo ông Hoàng, nội dung của Tạp chí Đời sống và Pháp luật là yếu tố quyết định và thu hút được đông độc giả quan tâm và theo dõi thường xuyên. Những người ở lớp thế hệ của ông rất chuộng đọc báo in, bởi ngày trước báo in chính là phương thức tiếp nhận thông tin chính thống. “Mỗi khi mua được tờ báo là tôi quên cả ăn đọc say sưa, Đời sống và Pháp luật có nhiều thông tin hấp dẫn, lý thú và chỉ cần cầm tờ báo là đã nắm được đủ thông tin thời sự diễn ra trong một, hai ngày qua”, ông Hoàng cho biết.
Ngoài ra, đường dây nóng của Tạp chí Đời sống và Pháp luật vẫn luôn nhận được những cuộc điện thoại của độc giả khắp cả nước phản hồi, góp ý mỗi khi Tạp chí có sự thay đổi về hình thức, thiết kế, thay đổi chuyên mục... Lắng nghe những lời góp ý chân tình từ bạn đọc đó chính là động lực để đội ngũ phóng viên, biên tập viên của tạp chí ngày càng cố gắng, nỗ lực tìm tòi, trau dồi hơn nữa để mang đến những thông tin chính xác, hấp dẫn phục vụ bạn đọc cả nước.
Hoàng Bích
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/23-nam-doi-song-va-phap-luat-qua-lang-kinh-cua-doc-gia-trung-thanh-20510371.htm