Tờ Fortune cho hay Mark Zuckerberg đã tự tin tuyên bố sẽ đánh bại các đối thủ trong mảng trí tuệ nhân tạo nhờ lợi thế cực lớn của họ: dữ liệu của 3,6 tỷ người dùng.
"Hiện có hàng trăm tỷ hình ảnh và hàng tỷ video được chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi, qua đó đem lại tệp dữ liệu khổng lồ hơn so với các đối thủ trên thị trường", Mark Zuckerberg tuyên bố trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh mới đây.
Những phát ngôn của nhà sáng lập Facebook được cho là nhắm đến các đối thủ trong mảng AI như Microsoft hay Google, vốn cũng đang đào tạo sản phẩm của mình dựa trên tệp dữ liệu người dùng hàng ngày.
Thậm chí bên cạnh công nghệ AI mà các Big Tech hiện nay đang phát triển, CEO Mark Zuckerberg còn đề cập đến tham vọng "Trí thông minh nhân tạo tổng quát" (General Intelligence), một khái niệm vẫn chưa được chứng minh về một AI có khả năng xử lý hầu hết các nhiệm vụ tốt hơn con người.
"Chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm AI hiện đại và phổ biến nhất. Nếu thành công thì mọi cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của chúng tôi sẽ được dùng AI đẳng cấp nhất thế giới để hoàn thành công việc", Mark Zuckerberg tự tin nói.
Dẫu vậy, đội ngũ quản lý của Meta cũng ám chỉ để làm được điều này thì tập đoàn sẽ phải chi một cái giá cực kỳ đắt đỏ.
Cụ thể, chi phí tài sản cố định của Meta có thể tăng thêm 9 tỷ USD trong năm nay, đạt 30-37 tỷ USD so với 28,1 tỷ USD năm 2023.
Tham vọng phát triển và nghiên cứu AI sẽ yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực cực kỳ lớn trong năm 2024 nếu Mark Zuckerberg muốn đè bẹp các đối thủ để dẫn đầu thị trường.
Theo Fortune, một trong những nguyên nhân khiến nhà sáng lập Meta chia cổ tức lần đầu tiên có lẽ là muốn nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư sau dự án vũ trụ số thất bại thảm hại với khoản lỗ lên đến 4,6 tỷ USD quý IV/2023.
Trước đó trên Instagram, CEO Mark Zuckerberg đã tiết lộ tầm nhìn của mình về AI và tuyên bố trên chỉ là giải thích kỹ hơn về tham vọng của mình. Phía Meta kỳ vọng sẽ không chỉ phát triển AI đơn thuần mà còn có thể gắn kết chúng vào các sản phẩm facebook, Instagram, WhatsApp để 3,6 tỷ người dùng có thể sử dụng.
"Rất rõ ràng là chúng ta cần một ứng dụng có khả năng suy luận, lập kế hoạch, viết mã code, ghi nhớ... cùng nhiều khả năng nhận thức khác, qua đó cung ứng dịch vụ tốt nhất như những gì chúng tôi đang hướng tới. Meta ở đây tham gia cuộc chơi là để giành chiến thắng và tôi kỳ vọng mọi người sẽ chấp nhận để công ty đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này", Mark Zuckerberg thuyết phục.
Hiện Meta vẫn chưa tiết lộ rõ họ sẽ dùng dữ liệu người dùng để phát triển tham vọng AI như thế nào cũng như sẽ giải quyết các vấn đề quyền riêng tư của người dùng ra sao.
Ngoài ra, không riêng gì Facebook mà Google, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới cũng có tệp dữ liệu của mình thông qua các nền tảng như Youtube hay Google Office.
Tuy nhiên Mark Zuckerberg chỉ ra rằng Google có thể phát triển các ứng dụng AI hỗ trợ kỹ thuật nhưng khó có thể xây dựng mô hình cá nhân hóa như Meta, nơi mạng xã hội thu thập được nhiều thông tin cá nhân hơn.
*Nguồn: Fortune
Băng Băng