Ngày 24/12, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Tiền Giang và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành 4 Dự án theo hình thức truyền hình trực tuyến.
4 dự án cụ thể là:
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV. Dự án gồm các hạng mục đường cất/hạ cánh 35-17kích thước 2.400mx45m, sân quay 2 đầu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm.
Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác đã rút ngắn được thời gian di chuyển của hành khách so với trước đây, như đường bay Hà Nội - Điện Biên chỉ mất khoảng 35 phút (dòng máy bay ATR72 khoảng gần 60 phút); hay đường bay kết nối TPHCM chỉ còn hơn 2 giờ bay thẳng.
Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thông tin, sân bay Điện Biên được khánh thành đưa vào khai thác có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Điện Biên cũng như cả vùng Tây Bắc khi rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ là khoảng 10 tiếng xuống khoảng 1 tiếng khi đi bằng đường hàng không.
Khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông.
"Giờ đây, thời gian về Hà Nội chỉ mất 1,5 giờ. Đây là niềm mong mỏi của chính quyền và nhân dân Tuyên Quang nhiều năm nay. Tỉnh kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ đến với Tuyên Quang và Phú Thọ ngày một nhiều hơn", ông Sơn chia sẻ.
Nói thêm về quá trình thực hiện dự án, ông Hà Văn Sáng, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) cho biết: Dự án bắt đầu thi công từ tháng 8/2021. Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đến tháng 10/2023, sau 26 tháng thi công, khối lượng còn lại rất lớn.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự quyết tâm của UBND tỉnh Tuyên Quang cùng nhà thầu thi công, chủ đầu tư dự án đã phát động thi đua "78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa", các đơn vị đã tập trung đầy đủ thiết bị, bổ sung nhân lực tổ chức "3 ca, 4 kíp" thi công xuyên đêm, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài toàn tuyến 40,2km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, tỉnh Phú Thọ 28,57km), tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng với 4 làn xe, vận tốc 120km/h.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, được khởi công đầu năm 2021, dự kiến thông xe ngày 24/12, sớm khoảng 2 năm so với kế hoạch.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2021.
Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Giai đoạn 1, dự án được thiết kế với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80km/h.
Sau gần ba năm thi công, tuyến cao tốc với bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h sẽ chính thức khánh thành, đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc này cùng với cầu Mỹ Thuận 2 khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hơn 50km quãng đường di chuyển từ Cần Thơ - TP.HCM.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền dài 6,61km, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Tuyến này cũng đồng thời nối thông trục đường cao tốc dài 120km từ TP.HCM về thủ phủ miền Tây, tiết kiệm một nửa thời gian di chuyển so với trước đây.
Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ mà còn kéo liền khoảng cách giữa TP.HCM và Cần Thơ. Từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cả nước nói riêng. Đồng thời giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1 hiện đang quá tải.
Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công.
Nhã Mi