Trong báo cáo về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng có đề cập về tình hình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được triển khai từ tháng 4/2023 với kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội.
Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% so với mức bình quân trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại từng thời kỳ.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 2%
Hiện nay, định kỳ 6 tháng/lần, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi để các ngân hàng thương mại thực hiện. Kể từ khi triển khai gói tín dụng này đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần thông báo lãi suất theo hướng giảm dần.
Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, lãi suất cho vay người mua nhà và chủ đầu tư lần lượt 8,2% và 8,7%. Nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay gói này giảm còn 7,5-8%, sau đó giảm thêm 1% vào nửa cuối năm. Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất gói vay còn 6,6% với chủ đầu tư và 6,1% với người mua nhà.
Như vậy, kể từ khi triển khai, lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giảm tổng hơn 2%. Hiện mức này đã thấp hơn lãi suất cho vay người mua nhà xã hội theo Nghị định 100 (khoảng 6,6% một năm).
Xét về quy mô, tổng lượng tín dụng cam kết dành cho chương trình đã tăng lên 145.000 tỷ đồng khi có thêm 5 ngân hàng đăng ký tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, gồm HD Bank, TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân gói tín dụng vẫn rất chậm. Bộ Xây dựng cho biết đến nay có 97 dự án nhà ở xã hội của 38/64 tỉnh, thành được công bố đủ điều kiện vay vốn.
Số tiền giải ngân từ gói tín dụng này ước đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân hơn 2%. Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án, còn lại là người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số tiền giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.
Lý giải tình trạng trên, Bộ cho biết nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện để vay vốn hay bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, lãi suất gói vay ưu đãi trên được đánh giá vẫn ở mức cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết 145.000 tỷ đồng mà 9 ngân hàng đăng ký cho vay nhà ở xã hội, sẽ không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thời gian thực hiện chính sách tối đa đến 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký.
Cuối năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng gói tín dụng mới 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo loại nhà ở này. Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 10/2024.
Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 444/QÐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, chỉ tiêu nhà ở xã hội các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025-2030 là 995.445 căn hộ. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khi thực tế triển khai phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc.
Hoàng Lam (t/h)
Hà Thị Lưu Luyến
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/4-lan-ha-lai-vay-goi-tin-dung-120000-ty-dong-moi-giai-ngan-hon-2-205250519112049857.htm