Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/2, báo chí đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc nâng hạng đã được Chính phủ đặt ra rõ ràng trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Bộ Tài chính cũng xác định đây là mục tiêu bao trùm trong giai đoạn này.
Theo ông Chi, để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán sớm nhất vào năm 2025, thì trong năm 2024 này, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan phải tích cực triển khai các công việc chuẩn bị, gồm 4 nhiệm vụ chủ chốt.
Một là xử lý yêu cầu về ký quỹ. Đây chính là một trong các rào cản, theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường. Ông Chi cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng như các thành viên thị trường xem xét đánh giá vấn đề này và sẽ trình cấp có thẩm quyền phương án tốt, khả thi để xử lý.
Hai là vấn đề minh bạch, rõ ràng về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ thực hiện công bố các thông tin một cách rõ ràng, minh bạch nhất bằng song ngữ, cả tiếng Việt và tiếng Anh.
"Chúng tôi cũng sẽ có yêu cầu để doanh nghiệp niêm yết cập nhật, công bố thông tin rõ ràng, đáp ứng theo thời gian thực", ông Chi nói.
Ba là vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết bằng song ngữ cả tiếng Việt và tiếng Anh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024, làm sao để kết thúc năm 2024 các doanh nghiệp cơ bản sẽ đáp ứng yêu cầu này.
Thứ tư là sớm nhất đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vận hành, đảm bảo các yêu cầu của giao dịch, thanh toán lưu ký.
"Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào quy định pháp luật, đồng thời phải thể hiện thực tế trên thị trường. Dù mục tiêu rất quan trọng nhưng trong bất kỳ giải pháp nào, Bộ Tài chính cũng phải quản trị các rủi ro, nhất là rủi ro hệ thống, đảm bảo thị trường vận hành ổn định, an toàn, bền vững", ông Chi khẳng định.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đặt quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng tỉ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/4-nhiem-vu-chu-chot-de-som-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-2059152.htm