5 huyện và 1 quận TP. HCM được đề xuất lên thành phố: Thu ngân sách đều trên nghìn tỷ, có nơi đang nghiên cứu xây cảng hơn 5 tỷ USD

Kịch bản hình thành và phát triển 3 thành phố vệ tinh kiểu mới ở thành phố Hồ Chí Minh được cho có thể tạo ra các đô thị đáng sống; với vai trò là cửa ngõ phía Bắc, phía Tây và phía Nam của Thành phố trung tâm.

photo-1706769244555

Huyện Bình Chánh, TP. HCM (Ảnh: Phùng Tiên)

Ngày 31/1 vừa qua, UBND TP. HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo Báo cáo quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù; đánh giá thực trạng phát triển và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước cho thấy TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. 

TP. HCM là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế TP.HCM tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, về phát triển không gian có hai kịch bản. 

Kịch bản 1: TP. HCM có 1 đô thị trung tâm (16 quận); 1 thành phố Thủ Đức - đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. 

Kịch bản 2: TP. HCM có 1 đô thị trung tâm (15 quận); 1 Thành phố Thủ Đức - đô thị song hành và 3 đô thị vệ tinh: Củ Chi - Hóc Môn, Bình ChánhNhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.

Đơn vị tư vấn đánh giá, kịch bản 2 có nhiều ưu điểm: hình thành và phát triển 3 thành phố vệ tinh kiểu mới - đô thị đáng sống; với vai trò là các đô thị cửa ngõ phía Bắc, phía Tây và phía Nam của Thành phố trung tâm, đồng thời, có thể đảm nhiệm một số chức năng của đô thị trung tâm…

Tình hình kinh tế những quận, huyện được đề xuất trở thành 3 đô thị vệ tinh

Củ Chi: Năm 2023, huyện Củ Chi đã hoàn thành đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh đề ra trong năm 2023. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 100,57%, tăng 8,82% so cùng kỳ và tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.646,235 tỷ đồng, đạt 115,81% dự toán pháp lệnh năm.

 Diện mạo 3 thành phố trực thuộc, chiếm một nửa diện tích TP. HCM tương lai - Ảnh 8.

Thực hiện và giải ngân đối với từng dự án đầu tư công ước đạt 3.155,702 tỷ đồng, trong đó, các dự án do các Ban của Thành phố làm chủ đầu tư giải ngân đạt 100% so với chỉ tiêu Thành phố giao, các dự án do huyện làm chủ đầu tư ước thực hiện đến hết năm ngân sách 2023 giải ngân đạt tỷ lệ 96,9% kế hoạch vốn, vượt 1,9% so với kế hoạch giải ngân UBND huyện đăng ký với Thành phố; tập trung triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án trên địa bàn huyện, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Hóc Môn: Năm 2023 các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực; tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có chiều hướng phục hồi… Toàn huyện có 2.450 doanh nghiệp thành lập mới; 2.332 hộ đăng ký kinh doanh. Cũng trong năm, huyện hoàn thành nhiều công trình trọng điểm theo Nghị quyết Huyện ủy năm 2023 như: Nâng cấp, cải tạo Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện; xây dựng đường Tân Hiệp 9, trường Mầm non Tân Thới Nhì 2; đặc biệt là hoàn thành Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn đã góp phần giải quyết nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trong huyện…

Năm 2024, huyện Hóc Môn phấn đấu hoàn thành 35 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt từ 1.600 tỷ đồng. 

Bình Chánh: Năm 2023, huyện Bình Chánh đạt được nhiều kết quả nổi bật như dự kiến thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2023, ước đạt 2.130 tỷ đồng, đạt 102% so với dự toán. Tổng giá trị sản xuất tăng 10,5% so với cùng kỳ 2022, trong đó, ngành thương mại - dịch vụ tăng 15,9%...

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, huyện đã tập trung thực hiện, ước giá trị giải ngân hết năm 2023, đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch được giao; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 111 dự án. Riêng dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện đến nay số hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đạt tỷ lệ 60,6% kế hoạch vốn; hộ bang giao mặt bằng đạt 96,89%.

Nhà Bè: Năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Nhà Bè đạt hơn 79,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 100,7% so với kế hoạch năm, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách đạt 1.037,8 tỷ đồng (đạt 91,58% dự toán), cao hơn so với dự ước 86,18% Cục Thuế TP giao cho huyện. So với năm 2023, công tác đầu tư công tiến bộ vượt chỉ tiêu đề ra; qua đó giúp phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm ngân sách năm 2023 đạt 95,12%, (vượt so với chỉ tiêu là 95%); khối lượng giải ngân đạt hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Quận 7: Theo báo cáo của UBND quận 7 về phát triển kinh tế năm 2023, nguồn thu ngân sách đến ngày 31/12/2023 là 5.501 tỷ đồng, đạt 101,27% kế hoạch, phần lớn nguồn thu từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Khu vực kinh tế thu ngân sách 3.346 tỷ đồng, đạt 119,52% so với dự toán năm, tăng 14,25% so với cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 24.011, phần lớn kinh doanh lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm 85%). Doanh nghiệp thành lập mới là 2.776, tăng 10% so với cùng kỳ. Số DN tạm ngưng, nghỉ hoạt động kinh doanh là 295 doanh nghiệp, tăng 1.72% so với cùng kỳ.

Cần Giờ: Năm 2023, huyện Cần Giờ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 9 chương trình trọng điểm. Kết quả ước thực hiện có 14/18 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, 01/18 chỉ tiêu đạt một phần kế hoạch, đặc biệt chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 17,2%, vượt 0,5% kế hoạch; trong đó ngành thủy sản - nông nghiệp tăng 9,7%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,9% và dịch vụ tăng 23,7%, sẽ bù đắp mức tăng trưởng thấp trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 12,5%/năm.

photo-1706769390343

Cần Giờ dự kiến sẽ được đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 57,1% (tăng 4,1% so với năm 2022). Điều này đóng góp lớn vào kết quả sơ kết 3 năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025, kinh tế của huyện trong 3 năm 2021 - 2023 đạt tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo định hướng phát triển của huyện, trong đó ngành Dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,1%, tăng 11,9% so với năm 2020. 

Hiện nay, việc xây dựng “siêu” Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hơn 5 tỷ USD đang được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và cân nhắc nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên cơ sở phát triển bền vững, không đánh đổi mọi giá để phát triển các dự án mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về tài nguyên, môi trường. Những tác động của hệ thống đường bộ kết nối cảng đối với khu dự trữ sinh quyển hiện hữu sẽ được đặc biệt quan tâm.

Nhã Mi

Nhã Mi

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/5-huyen-va-1-quan-tp-hcm-duoc-de-xuat-len-thanh-pho-thu-ngan-sach-deu-tren-nghin-ty-co-noi-dang-nghien-cuu-xay-cang-hon-5-ty-usd-2059114.htm