55 tuổi đi khởi nghiệp, cụ ông sắp nghỉ hưu tạo nên đế chế chip vĩ đại hơn 700 tỷ USD: ‘Chinh phạt’ từ Mỹ đến Nhật Bản, trở thành huyền thoại trong giới công nghệ

Cụ ông, nay đã hơn 90 tuổi, được coi là huyền thoại.

Ở tuổi 55, Morris Chang thành lập TSMC - công ty chip giá trị nhất toàn cầu. Sự nghiệp tận tâm đến mức đủ để ông trở thành huyền thoại, ngay cả khi đã nghỉ hưu. Trước đó, Chang đã dành 3 thập kỷ làm việc tại Mỹ, sau đó chuyển tới Đài Loan (Trung Quốc) với một nỗi ám ảnh kỳ lạ.

“Tôi muốn xây dựng nên một công ty bán dẫn vĩ đại”, ông nói.

Tham vọng này, dưới bàn tay Chang, được thực hiện rất khác biệt. Người ta sử dụng thiết bị có chip do TSMC sản xuất hàng ngày, song thực tế, tập đoàn này không hề thiết kế hay tiếp thị. TSMC chỉ đơn giản độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng yêu cầu và bằng cách đó, không cần bận tâm quá nhiều đến việc vận hành các nhà máy chế tạo riêng biệt, đắt tiền và phức tạp.

Mô hình kinh doanh sáng tạo của Chang sau đó đã thay đổi toàn ngành công nghiệp chip, đồng thời đưa TSMC trở thành công ty không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Gần như không có ai có tầm ảnh hưởng lớn hơn Morris Chang”, Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War”, viết.

Morris Chang, hiện 92 tuổi, chính thức nghỉ hưu với tư cách chủ tịch TSMC vào năm 2018. Trong bộ vest lịch thiệp, trên tay cầm cốc Diet Coke, ông nhẹ nhàng trả lời phóng viên tờ WSJ: “Tôi không thể thành lập công ty sớm hơn. Tôi nghĩ không ai có thể làm điều đó. Bởi vì tôi là người đi tiên phong rồi”.

Morris Chang từng ước mơ trở thành nhà văn, song sau 1 năm học đại học, điều gì đó đã thôi thúc ông tới Viện Công nghệ Massachusetts, học ngành kỹ thuật cơ khí và lấy bằng thạc sĩ. Công việc đầu tiên là trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Ba năm sau khi chuyển đến Dallas, Chang được công ty cử đến Đại học Stanford để lấy bằng Tiến sĩ. Vào cuối những năm 1960, ông quản lý bộ phận mạch tích hợp của Texas Instruments (TI) và chẳng bao lâu sau đã điều hành toàn bộ nhóm bán dẫn.

Morris Chang nghiện việc đến mức gọi điện thuyết phục khách hàng ngay cả trong khoảng thời gian nghỉ tuần trăng mật. Chính điều đó đã làm nên TSMC của ngày hôm nay - tập đoàn vừa đầu từ 40 tỷ USD xây dựng các nhà máy ở Arizona.

“Nhiều người nói về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đó là khái niệm tôi không biết khi ở tuổi đó. Với tôi, nếu không có việc làm thì không có cuộc sống”, Morris Chang nói.

Năm 1983, biết rằng mình sẽ không thể thăng chức và công ty mình cũng không đặt cược vào một thị trường được cho là tương lai, Chang rời Texas Instruments. Gần như ngay lập tức, ông được nhà sản xuất điện tử General Instrument thuê làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau, người đàn ông này đã nộp đơn xin thôi việc. “Tôi là một người không phù hợp – hoàn toàn không phù hợp”, ông nói.

Năm 1982, Chang nhận được lời mời làm việc hấp dẫn từ một quan chức tên KT Li với mong muốn thúc đẩy ngành công nghệ. Ông ta muốn Chang trở thành chủ tịch viện công nghệ hàng đầu Đài Loan và biến hoạt động nghiên cứu trở thành ‘cỗ máy in tiền’.

Chang lúc đầu từ chối song 3 năm sau lại thay đổi ý định. Ông gọi việc chuyển đến Đài Loan là “cuộc gặp gỡ định mệnh” của đời mình. “Không có gì chắc chắn rằng Đài Loan sẽ cho tôi cơ hội. Tuy nhiên, khả năng đó tồn tại và đó là khả năng duy nhất đối với tôi”, Chang nói.

55 tuổi đi khởi nghiệp, cụ ông sắp nghỉ hưu tạo nên đế chế chip hùng mạnh hơn 700 tỷ USD: ‘Chinh phạt’ từ Mỹ đến Nhật Bản, ngân sách đầu tư tới 30 tỷ USD/năm - Ảnh 1.

Ở tuổi 55, Morris Chang thành lập TSMC

Cách đây không lâu, một nhóm các nhà kinh tế đã điều tra xem liệu các doanh nhân lớn tuổi có thành công hơn người trẻ hay không. Thông qua hồ sơ của Cục điều tra dân số và dữ liệu mới, họ xác định được 2,7 triệu người sáng lập ở Mỹ đã thành lập công ty từ năm 2007 đến năm 2014. Độ tuổi trung bình của những doanh nhân này khi thành lập là 41,9. Đối với những công ty phát triển nhanh nhất, con số đó là 45.

Như vậy, những founder 50 tuổi có khả năng thành công lớn gần gấp đôi so với những người sáng lập trong độ tuổi 30 tuổi. Những người 20 tuổi là nhóm ít có khả năng thành công nhất.

Các doanh nhân ở độ tuổi 40, 50 có thể không đủ niềm tin rằng mình sẽ thay đổi thế giới, song họ lại có sự từng trải để làm điều này. Morris Chang cũng vậy. Người đàn ông này có tận 30 năm kinh nghiệm trong ngành.

“Ông KT Li cảm thấy tôi nên thành lập một công ty bán dẫn ở Đài Loan. Đó là sự khởi đầu của TSMC”, Chang nói và cho biết lúc bấy giờ, cách duy nhất để xây dựng một công ty vĩ đại là tạo ra một tổ chức hoàn toàn mới để khai thác những điểm mạnh và giảm thiểu nhiều điểm yếu.

Chang biết công ty mình sẽ không thể đủ nguồn lực để cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong lĩnh vực thiết kế, bán hoặc tiếp thị; vậy nên, lợi thế nằm ở chính khâu sản xuất: sản xuất chip – và chỉ sản xuất chip.

“Hạt giống” của một xưởng sản xuất chip thuần túy đã được Gordon Campbell, một doanh nhân bán dẫn, gieo vào tâm trí Chang. Campbell đã quen với những khó khăn và sự kém hiệu quả của việc xây dựng và vận hành một nhà máy, vậy nên, ông cảm thấy các công ty khởi nghiệp nên tập trung gia công sản xuất. Mọi công ty đều cần có một xưởng đúc.

Đài Loan nắm 48% cổ phần, phần còn lại đến từ gã khổng lồ điện tử Hà Lan Philips và 1 khu vực tư nhân, song Chang là động lực chính thúc đẩy. Ý tưởng sâu sắc đối với TSMC được gây dựng nên từ chính kinh nghiệm, mối quan hệ và chuyên môn sau từng ấy năm cống hiến.

“TSMC là sự đổi mới về mô hình kinh doanh”, ông Chang nói.

Trong suốt nhiều năm qua, TSMC đã trở thành hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với tầm ảnh hưởng có thể làm rung động nền kinh tế toàn cầu. Việc ngày càng nhiều công nghệ cần sử dụng chip điện tử khiến tầm quan trọng của công ty thêm lan rộng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung.

Cho đến nay, TSMC đã sản xuất được rất nhiều những con chip tiên tiến độc quyền tại các nhà máy lớn ở Đài Loan. Việc mô hình được ‘bôi trơn’ tại quê nhà đã giúp hãng này thu về nhiều lợi nhuận, hơn hẳn hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn khác.

Cơn đói chip khiến TSMC càng trở nên giá trị. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường đã tăng gần gấp bốn lần lên hơn 700 tỷ USD. Khoảng 0,5% cổ phần TSMC mà Chang sở hữu hiện trị giá 3,5 tỷ USD.

Nhật Bản vốn không phải là điểm đến hấp dẫn của các ngân hàng, song cũng nhờ sự hiện diện của TSMC mà thu hút được sự chú ý của nhiều ‘đại bàng chip’. TSMC chuẩn bị rất kỹ cho quy trình sản xuất hàng loạt tại nhà máy Kumamoto để phục vụ các khách hàng như Sony, Denso và Renesas.

“Sự xuất hiện của TSMC là một tia sáng bất ngờ. Chúng tôi ngay lập tức trở nên nổi tiếng và cứ như thể Kikuyo đột nhiên trở thành người trưởng thành từ một đứa bé vậy”, Takatoshi Yoshimoto, thị trưởng Kikuyo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Mở rộng hoạt động ra nước ngoài vốn không phải sự lựa chọn ưa thích của TSMC. Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm chip chưa từng có, tập đoàn buộc phải mở rộng để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và trấn an khách hàng.

“Arizona là thử nghiệm đầu tiên trong quá trình phát triển siêu nhà máy tại nước ngoài của chúng tôi, Tất nhiên, đó là cả một quá trình học tập”, chủ tịch TSMC Mark Liu nói và cho biết dự án này có thể quyết định xem liệu TSMC có thể chuyển mình thành một công ty đa quốc gia thực sự hay không.

Trước đó, TSMC công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trị giá hơn 70 tỷ USD trong ba năm kể từ năm 2020 tại Mỹ, Nhật Bản và Đức. Cái giá phải trả khi tham gia cuộc đua chip là rất lớn: Ngân sách chi tiêu trong năm 2024 rơi vào khoảng 28 đến 30 tỷ USD.

Theo: WSJ, FT, Bloomberg

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/55-tuoi-di-khoi-nghiep-cu-ong-sap-nghi-huu-tao-nen-de-che-chip-vi-dai-hon-700-ty-usd-chinh-phat-tu-my-den-nhat-ban-tro-thanh-huyen-thoai-trong-gioi-cong-nghe-20512139.htm