8 năm sau khi mua đứt "cơ ngơi" của bầu Đức tại Lào, "dấu chân" của đại gia mía đường TTC AgriS đã trải dài tới Úc, chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam

Hiện nay, TTC AgriS (Thành Thành Công - Biên Hòa) đã sở hữu tới 7 vùng nguyên liệu chính trải dài trên 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia.

Tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 68.000 ha

Sau khi đầu tư và sở hữu thành công vùng nguyên liệu tại Tully, Australia vào năm ngoái, tới nay TTC AgriS đã có 7 vùng nguyên liệu chính trải dài trên 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia với tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 68.000 ha.

TTC AgriS là tên gọi mới của thương hiệu TTC Sugar của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (mã chứng khoán: SBT), doanh nghiệp gắn với tên tuổi đại gia mía đường Đặng Văn Thành.

8 năm sau khi mua đứt nông trường mía của bầu Đức tại Attapeu (Lào), Thành Thành Công mua tiếp nông trường ở Úc, chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam. - Ảnh 1.

Hiện nay, TTC AgriS đã có 7 vùng nguyên liệu chính trải dài trên 4 quốc gia. Nguồn: ttcagris

Trong số các vùng nguyên liệu của TTC AgriS có diện tích lớn thứ hai với 11.000 ha là nông trường tại Attapeu, Lào được mua lại từ tay bầu Đức.

Cụ thể: Năm 2016, Thành Thành Công - Biên Hoà, khi ấy còn là 2 pháp nhân chưa hợp nhất là Đường Biên Hòa (BHS) và Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh - SBT), đã mua lại nhà máy đường và nông trường mía của Tập đoàn HAGL của bầu Đức tại tỉnh Attapeu, Lào.

Khi đó, BHS và SBT đã chi ra 1.330,1 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp - tức 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar. HAGL Sugar là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam để đầu tư vào Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu - đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía của Tập đoàn HAGL tại tỉnh Attapeu, Lào.

Đến 2017, Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) đã được đổi tên chính thức thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu. Hiện nay, TTC Attapeu đang là công ty con gián tiếp của SBT.

8 năm sau khi mua đứt nông trường mía của bầu Đức tại Attapeu (Lào), Thành Thành Công mua tiếp nông trường ở Úc, chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam. - Ảnh 2.

Ảnh chụp bầu Đức bên ruộng mía. Nguồn: VTC

Nông trường cao su và mía tại Attapeu, Lào từng là niềm tự hào và mang theo kỳ vọng rất lớn của bầu Đức. Năm 2013, tại Attapeu, bầu Đức có khoảng 10.000 ha mía. Cây mía ở đây phát triển tốt và cho năng suất cao. Hệ thống tưới tiêu được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, mía có thể trồng ngay trong mùa khô, có trữ lượng đường lớn. Trung bình lượng nước nhỏ giọt đều đặn 2 lít/ngày.

Thời điểm đó, bầu Đức chia sẻ với báo chí, năng suất mía bình quân của Hoàng Anh Attapeu lên đến 120 tấn/ha trong khi năng suất bình quân của thế giới là 80-90 tấn/ha và tại Việt Nam là 64 tấn/ha. 

Nhà máy chế biến đường tại Attapeu được xây ngay gần vùng nguyên liệu, có công suất 7.000 tấn/ngày, sở hữu trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, vì hoạt động kinh doanh thua lỗ và gặp khó khăn tài chính giai đoạn sau đó, bầu Đức đã phải bán đi "đứa con" mang nhiều tâm huyết này.

Chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam và tham vọng mở rộng danh mục sản phẩm

Sở hữu vùng nguyên liệu rộng và sản lượng lớn được Thành Thành Công - Biên Hoà nhận định là yếu tố sống còn và khác biệt, giúp TTC AgriS tiếp tục đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường mía đường thế giới.

Đến hết năm 2021-2022, tổng diện tích nguyên liệu của TTC AgriS tiếp tục tăng trưởng và đạt gần 68.000 ha, trong đó có hơn 36.000 ha mía trang trại thuộc nhà máy và gần 32.000 ha mía do nông dân đầu tư. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, TTC AgriS đặt mục tiêu nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên 90.000 ha.

Sản lượng mía thu hoạch cũng tăng 26%, CCS (đường thư) vẫn giữ nguyên theo kế hoạch Công ty đề ra. Niên độ 2022-2023, tổng sản lượng mía Việt Nam đạt 9,6 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng mía của toàn công ty tăng 18% và chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam.

8 năm sau khi mua đứt nông trường mía của bầu Đức tại Lào, đại gia mía đường TTC AgriS đã vươn tới Úc, chiếm 26% tổng sản lượng mía của Việt Nam. - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Song song với việc mở rộng vùng nguyên liệu, các hoạt động đổi mới sáng tạo, giải pháp số tiếp tục được ứng dụng và đẩy mạnh trong quản lý nông nghiệp thông qua việc ứng dụng công việc số FRM, công nghệ drone phun chế phẩm sinh học trên diện rộng và hợp tác với các chuyên gia tư vấn nông học để xây dựng chiến lược hợp tác chuyên sâu và phù hợp với kế hoạch phát triển nông nghiệp 4.0. 

Ngoài ra, TTC AgriS còn xây dựng các Apps nông nghiệp nhằm tăng cường sự tương tác giữa nông dân trồng mía và cán bộ khuyến nông trong việc trao đổi thông tin, khuyến nghị, tư vấn kỹ thuật, thời tiết, chính sách đầu tư, thu mua.

Ngoài mảng kinh doanh chính là mía đường, SBT hiện nay đã mở rộng danh mục sản phẩm, cụ thể, bên cạnh việc đa dạng hóa danh mục các dòng sản phẩm Đường, các dòng sản phẩm Cạnh Đường và Sau Đường nhằm khai thác tối đa chuỗi giá trị cây Mía.

TTC AgriS đã phát triển danh mục sản phẩm đa dạng với sự xuất hiện mới của 47 sản phẩm từ Dừa (Nước dừa Cocoxim, Cốt dừa Momcooks,…) và 21 sản phẩm khác (Điện mặt trời, Chuối già Nam Mỹ Smiley, Chuối Dole xuất khẩu,…).

Đến 30/9/2023, tổng tài sản của SBT đạt 30.763 tỷ đồng (~1.3 tỷ USD), tăng hơn 829 tỷ đồng so với cuối niên độ 2022-2023.

Niên độ 2022-2023, SBT đạt doanh thu 24.743 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 719 tỷ đồng. Mục tiêu niên độ 2023-2024 doanh thu đạt 20.622 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).


Trọng Nghĩa

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/8-nam-sau-khi-mua-dut-co-ngoi-cua-bau-duc-tai-lao-dau-chan-cua-dai-gia-mia-duong-ttc-agris-da-trai-dai-toi-uc-chiem-26-tong-san-luong-mia-cua-viet-nam-2055169.htm