Cuộc đua Net Zero và hành động của Việt Nam
Sự nóng lên của Trái Đất ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt trong đời sống của con người. Nhận thức được sự thay đổi này, giới khoa học quốc tế đã đồng thuận rằng để ngăn chặn những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) đến năm 2030 phải giảm 45% so với năm 2010 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 145 quốc gia tuyên bố hưởng ứng mục tiêu chung Net Zero. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó và cam kết tham gia, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Để hiện thực hóa cam kết, nước ta sẽ thực hiện không xây dựng nhà máy điện than mới từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào 2030 so với mức 2020.
Bên cạnh đó, việc trồng cây luôn được khuyến khích tại nhiều địa phương trong cả nước đang góp phần mang lại lợi ích kép cho quốc gia.
Ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TNMT – Bộ TNMT cho biết: Tại nhiều địa phương, phong trào trồng cây không những trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa, mà còn mang lại lợi ích to lớn về môi trường mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Đến nay, toàn quốc ước tính có khoảng 25 triệu người với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra, các làng nghề cũng sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản.
Doanh nghiệp tiên phong đồng hành hiện thực hóa mục tiêu Net Zero
Hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết Net Zero, bao gồm các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, FPT, Masan,… hướng tới mục tiêu vì cộng đồng phát triển bền vững bằng những giải pháp cụ thể. Họ đầu tư vào những nguồn năng lượng mới, thực hiện giảm nhiên liệu, chuyển đổi công nghệ, tái sử dụng bao bì, sử dụng năng lượng tái tạo. Những hành động này là những cam kết tuyệt vời, tuy nhiên đòi hỏi nỗ lực to lớn và thời gian để chuyển đổi. Song Việt Nam cũng có những lợi thế có thể thực hiện ngay được để đến gần hơn với mục tiêu Net Zero, đó là bảo vệ rừng, phục hồi tài nguyên và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đã có các doanh nghiệp đầu tư theo đuổi hướng đi này như Vinamilk, Sungroup, Novaland, ABBANK… Nhìn vào bức tranh lớn hơn, hoạt động trồng rừng góp phần vào mục tiêu kép là bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở các địa phương thoát khỏi đói nghèo.
Mới đây, ABBANK cũng chính thức phát động chiến dịch gây quỹ Xanh An Bình - Xanh Việt Nam với chủ đề “Mầm xanh cho tương lai” trên toàn quốc, nhắm đến mục tiêu đạt được con số tài trợ 50.000 cây giống gỗ lớn như lim, huê (sưa đỏ) cho người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh miền Trung được nhận được khoản chi trả tiền bán tín chỉ carbon đầu tiên và cao nhất cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của địa phương trong việc phát triển dịch vụ bán tín chỉ carbon, tạo ra lợi ích cho môi trường, xã hội và kinh tế. Đặc biệt là tạo động lực cho các hộ gia đình sống gần rừng, có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống và ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng.
Dự án Xanh An Bình – Xanh Việt Nam do ABBANK phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường nhằm hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 3 năm gần đây, ABBANK cũng đã trồng được gần 50.000 cây xanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ở năm thứ 4 này, đội ngũ ABBANK quyết tâm đặt con số mục tiêu bằng tổng số cây xanh đã thực hiện trong 3 năm trước của dự án nhằm tạo ra tác động tích cực rõ rệt đến môi trường và xã hội.
Thu Hà
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/abbank-dau-tu-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-20511136.htm