Hiện nay FPT đang là Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với vốn hóa lên đến 141 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trước khi bước vào giai đoạn thăng hoa như hiện tại, FPT cũng đã mất tới 10 năm để quay trở về giá trị công ty thời điểm mới lên sàn.
Ngay từ khi mới lên sàn, FPT đã được định giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng, chỉ mới hơn 1 tháng rưỡi sau vốn hóa công ty lúc này đã lên tới trên 39 nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng, sự thịnh vượng chớp nhoáng này không duy trì được lâu. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những vấn đề nội tại của FPT đã kéo giá trị công ty giảm sâu, đến tháng 6/2008 chỉ còn khoảng 4.500 tỷ đồng, tức giảm khoảng 88% nếu so với đỉnh hồi đầu năm 2007.
Trong cuốn Sử ký FPT 35 năm, nhìn lại những ngày tháng sau khi FPT lên sàn, ông Hoàng Nam Tiến - Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT - từng ví von: FPT mắc bệnh "đột kim" – là bệnh đột nhiên có nhiều tiền. FPT rơi vào trạng thái "nghĩ mình quá giỏi, giỏi đến mức cái gì cũng làm được". Do đó, FPT đã đi mở ngân hàng, mở công ty chứng khoán, lập công ty quỹ, đầu tư bất động sản. "Kỳ lạ, tất cả việc đó thất bại", ông Tiến cảm thán.
Chứng khoán FPT phải tái cấu trúc
Năm 2007, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ và phát triển nhất, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) thành lập năm 2007, có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng và vốn pháp định là 135 tỷ đồng. FPTS xác định lấy giao dịch trực tuyến làm trọng tâm và là mục tiêu cho quá trình phát triển. Công ty cũng có được những thành công đầu tiên, sau 3 tháng thực hiện khảo sát tại tất cả các sàn chứng khoán, các nhà đầu tư đã bình chọn FPTS là công ty chứng khoán tốt nhất trong tháng 1 và tháng 2/2008.
Tuy nhiên, năm 2008, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán suy giảm nặng nề dẫn đến FPTS đã lỗ trong năm đó. Đứng trước khó khăn, Công ty đã buộc phải cắt giảm nhân sự và tiến hành một loạt hoạt động tái cấu trúc.
Thất bại trong đầu tư tài chính
Cùng năm 2007, FPT cũng thành lập CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) là công ty quản lý quỹ đầu tiên được thành lập theo Luật Chứng khoán mới năm 2006 và là công công ty quản lý quỹ đầu tư có số vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường Việt Nam khi đó (110 tỷ đồng).
Ngày 27/11/2007, Tập đoàn SoftBank Investment Holdings (SBI) và FPT ký kết thành lập Quỹ Đầu tư Việt – Nhật. Chưa tính Quỹ Đầu tư Việt – Nhật, tại thời điểm đó, tài sàn FPT Capital dang quản lý là trên 600 tỷ đồng.
FPT Capital tham gia đầu tư nhiều dự án bất động sản như dự án 109 Trần Hưng Đạo, dự án 136 Hồ Tùng Mậu, dự án Khu đô thị Nam An Khánh... Cuộc suy thoái kinh tế đã khiến thị trường bất động sản suy giảm rất mạnh và đóng băng. Các dự án đầu tư của FPT Capital lâm vào tình trạng khó khăn. Các hoạt động ủy thác đầu tư đã không thu hút thêm được khách hàng.
Từ năm 2012, các chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc FPT Capital đều do người của SBI đảm nhiệm. Tính đến thời điểm 31/12/2023, FPT chỉ còn giữ 25% vốn điều lệ của FPT Capital.
Ngừng hoạt động công ty BĐS FPT
FPT Land gặp rất nhiều khó khăn ngay từ những năm kinh doanh đầu tiên. Năm 2008, FPT Land đã có một năm hoạt động vô cùng vất và và thất vọng. Không có thêm một dự án mới nào được khởi động, những dự án cũ liên tục bị điều chỉnh và thậm chí là bị đình trệ. FPT Land phải cắt giảm nhân sự đến hơn 30%.
Ông Trịnh Ngọc Biên (Phó Giám đốc FPT Land HCM) khi đó nhìn thấy năm 2009 cũng sẽ chẳng sáng sủa gì hơn. Không phát triển dự án mới, các dự án phục vụ cho cơ sở hạ tầng của Tập đoàn cũng không có gì khác so với tình thế trước đó. Những mảng kinh doanh như môi giới bất động sản, phân phối bất động sản đều "bất động". Người FPT Land đang tự vẫn mình với câu hỏi "Tồn tại hay không tồn tại". Cho đến ngày 31/10/2011, FPT Land chính thức ngừng mọi hoạt động
"Trao gửi" TPBank
Năm 2008, dự án Ngân hàng Thương mại Cổ phần FPT được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức trao giấy phép thành lập và hoạt động với tên gọi Ngàn hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. FPT được xem là nhà sáng lập chính với 15% vốn sở hữu tương đương 150 triệu có phiếu thời điểm ban đầu. Các cổ đông sáng lập khác là Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare), VMS MobiFone và một số cổ đông cá nhân.
Được kỳ vọng nhiều, tuy nhiên, chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động, TPBank đã rơi vào tình trạng yếu kém, thu nhập lãi thuần giảm dần qua mỗi năm, thậm chí tới năm 2011 thu nhập lãi thuần của TPBank còn âm qua các quý.
Ngay trong năm 2011, TPBank bị Ngân hàng Nhà nước xét vào diện ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu với mức lỗ tương đương 50% vốn điều lệ, nợ xấu lên trên 6%. Nhận thấy cơ hội đầu tư, nhóm có đông đến từ DOJI đã mua lại 20% có phân của TPBank, và trở thành nhóm cổ đông chiến lược của ngân hàng.
Theo Báo cáo tài chính của FPT năm 2011, FPT vẫn nắm giữ 16,9% vốn sở hữu tại TPBank nhưng khoản đầu tư tại TPBank đã được FPT chuyển thành khoản đầu tư tài chính, chứ không còn được hợp nhất trong báo cáo tài chính như những năm trước nữa. Hành động này cho thấy FPT đã chính thức "trao gửi" ngân hàng ngắn liền với tên tuổi của mình từ năm 2008.
Giải thể FPT Media
FPT Media là dự án trong Vườn ươm FPT từ năm 2004, thành lập năm 2005 và đã tổ chức thực hiện các chương trình "Sống khỏe mỗi ngày", "Cuộc sống số" trên VTV1.
Dấu ấn nổi bật nhất trong 7 năm hoạt động của FPT Media là việc mua bản quyền truyền hình phát sóng World Cup 2006. Đây là lần đầu tiên, một công ty tin học giành độc quyền phân phối trên toàn lãnh thổ Việt Nam tín hiệu của tất cả các sự kiện tường thuật trực tiếp của sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu. Ông Trương Gia Bình đã đích thân bay đến Thụy Sỹ (nơi đặt trụ sở chính của FIFA) cũng như một số quốc gia khác để giới thiệu về năng lực và kế hoạch kinh doanh của FPT với các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, FPT Media còn hợp tác với các Đài Truyền hình sản xuất nhiều chương trình như: "Bản tin tài chính" (VTV1). "Văn nghệ Chủ nhật" (VTV3), "Hugo & các bạn" (Truyền hình Hà Nội), "Lắng nghe cơ thể bạn" (Truyền hình Hà Nội), ...
Các hoạt động diễn ra rầm rộ nhưng không mang lại nhiều hiệu quả kinh doanh. Năm 2012, FPT Media tuyên bố giải thể vì công ty này kinh doanh không có hiệu quả, các mục tiêu không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thất bại với di động FPT
Vào năm 2009, Chủ tịch Trương Gia Bình mơ ước có những sản phẩm "Made by FPT" dành cho thị trường đại chúng, cho cộng đồng công dân điện tử - "go mass". Ngay từ nửa cuối năm 2009, ĐTDĐ F-Mobile đã bắt đầu được sản xuất và đưa ra thị trường, được kỳ vọng là một sản phẩm tích hợp đầy đủ các ứng dụng như truyền thông, quảng cáo, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, trò chơi, học trực tuyến, các dịch vụ giải trí như chat, diễn đàn, đọc tin chọn lọc, chia sẻ video. ...
2010-2011 là quãng thời gian rực rỡ của ĐTDĐ F-Mobile với loạt chiến dịch PR- marketing rầm rộ trên khắp các tỉnh thành. Thị phần trong nước chiếm tới 10%. Vậy nhưng, cũng như nhiều thương hiệu điện thoại Việt khác, F-Mobile đã thất bại khi xu hướng người dùng chuyển sang smartphone, cùng sự cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm bộc lộ nhiều điểm yếu như chất lượng không được duy trì, tỷ lệ bảo hành quá cao, đại lý phàn nàn, khách hàng quay lưng. Lợi nhuận và uy tín của FPT giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, F-Mobile không còn được đầu tư hoành tráng, sau đó hoàn toàn biến mất khỏi hoạt động kinh doanh của FPT.
Ngừng kinh doanh game online
FPT muốn làm game online từ năm 2003 nhưng không thuận lợi. Năm 2007, cơ duyên cũng đến khi người FPT tiếp cận Sohu với sản phẩm Thiên Long Bát Bộ cùng mức phí bản quyền kỷ lục gần 1 triệu USD. Đây cũng là điểm khởi đầu của FPT Online.
Tuy nhiên, "sân chơi" game online vốn không phải mảnh đất lành. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, nhiều tựa game đã phải đóng cửa. Chính sự khốc liệt của thị trường trước đó cộng thêm tốc độ chậm trễ của FPT Online khi thay đổi sang các nền tảng khác đã kéo theo sự sụp đổ của "đế chế" từng giành được rất nhiều cảm tình của giới game thủ.
Tháng 9/2014, Thiên Long Bát Bộ chia tay FPT. Quý 4/2014, Công ty ngừng kinh doanh game, để lại nhiều tiếc nuối cho cộng đồng game Việt.
Ngọc Điệp
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ai-cung-phai-trai-qua-that-bai-nhin-lai-fpt-va-nhung-trai-dang-truoc-khi-lay-lai-hao-quang-20510659.htm