AI thu hút sự quan tâm lớn
Sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ Nhân tạo) trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, kể cả giới công nghệ lẫn những người hoạt động trong những ngành nghề khác. Thực ra thì nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư phát triển AI trong nhiều năm, nhưng chỉ đến khi ChatGPT xuất hiện thì sự quan tâm đến AI mới thực sự bùng nổ, điều này sẽ khiến cho tốc độ phát triển của AI trong thời gian tới sẽ được đẩy nhanh lên đáng kể. Rất nhiều ý tưởng mới sẽ ra đời, rất nhiều hệ thống mới, và nhiều nguồn lực sẽ được đổ vào xu hướng lớn này.
AI đã và đang len lỏi và trong rất nhiều những tình huống hằng ngày của chúng ta, mà có thể chúng ta không nhận ra. AI phân phối các bản tin chúng ta đọc hằng ngày, AI gợi ý món đồ chúng ta có thể mua trên các trang thương mại điện tử, AI khiến cho bạn dành hàng giờ để lướt xem video trên các ứng dụng giải trí, AI giúp phát hiện và đưa ra các cảnh báo thiên tai một cách nhanh chóng,… Có thể nói rằng AI đang mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích, nhưng kèm với đó là không ít những quan ngại về rủi ro mà nó có thể tạo ra.
Trước đây, trong lĩnh vực AI người ta cố gắng để tạo ra những cỗ máy có thể "bắt chước" cách suy nghĩ và hành động của con người. Bằng cách này, máy móc có thể thay thế con người trong nhiều hoạt động, giúp tăng năng suất, độ chính xác và hiệu quả của các công việc.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cỗ máy Deep Blue đã đánh bại đương kim vô địch cờ vua tại thời điểm đó là Garry Kasprov, tức là nó đã đạt được trình độ vượt trội so với phần lớn những người chơi cờ còn lại.
Năm 2011, hệ thống Watson của IBM đã giành chiến thắng trong chương trình gameshow nổi tiếng Jeopardy, thể hiện sự hiểu biết vượt trội so với hai đối thủ là Brad Rutter và Ken Jennings – đây là hai người chơi đã chiến thắng trong các chương trình Jeopardy trước đó. Cần biết rằng Jeopardy là một chương trình đòi hỏi người chơi phải có kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lí, văn học, nghệ thuật, văn hóa đại chúng, khoa học, thể thao,… thậm chí là chơi chữ.
AI là những cỗ máy "chạy bằng điện", thể hiện sự vượt trội so với những cỗ máy "chạy bằng cơm" là con người trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, AI có thể thu thập, đọc và tổng hợp hàng triệu cuốn sách trong khoảng thời gian tính bằng phút. Trong khi đó, một người cực kỳ năng suất thì trung bình cũng phải mất vài giờ mới có thể xử lí xong một cuốn sách. Chưa kể là AI có thể học 24/24 giờ không ngừng nghỉ, con người thì không có khả năng đó. Một chiếc xe tự hành cũng có thể vận hành không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Sử dụng khả năng nhận diện hình ảnh và thu nạp thông tin từ nhiều nguồn, các chiếc xe tự hành càng ngày càng có khả năng xử lí chính xác các tình huống ở trên đường, không có nguy cơ bị rơi vào trạng thái "ngủ gật" như các tài xế bằng xương bằng thịt.
Các hệ thống AI ngày nay có thể viết được các bài báo hoặc nội dung truyền thông với chất lượng tốt hơn phần lớn những người bình thường. AI cũng có thể viết được các bài luận khoa học với cấu trúc chặt chẽ. Thậm chí, AI có thể viết ra một cuốn sách nếu được yêu cầu. AI cũng có thể vẽ được những bức tranh tốt hơn phần lớn các họa sĩ, và điều đặc biệt là nó có thể vẽ hầu hết tất cả các thể loại tranh khác nhau, từ tranh trừu tượng cho đến tranh giả tưởng, từ tranh biếm họa cho đến tranh cổ động, từ tranh màu chì cho đến tranh sơn dầu. Có thể khẳng định rằng nếu chỉ nhìn vào các sản phẩm thì nhiều người khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm được tạo ra bởi con người và đâu là sản phẩm được tạo ra bởi AI.
Trong khi phần lớn dân số thế giới còn loay hoay chưa sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính, và chỉ có một số lượng ít các lập trình viên có thể tạo ra phần mềm, thì AI đã có khả năng lập trình để tự tạo ra những phần mềm của riêng mình. Với khả năng của mình, AI có thể phân tích và hiểu các hệ thống phần mềm rất lớn một cách nhanh chóng, vượt xa khỏi năng lực của cả những lập trình viên tốt nhất.
AI cũng có thể sử dụng hàng chục thậm chí là hàng trăm ngôn ngữ lập trình và thư viện lập trình khác nhau, trong khi đó kể cả những lập trình viên tốt nhất thì thông thường cũng chỉ thành thạo được vài ngôn ngữ và công cụ lập trình chính. Tất nhiên, AI cũng có thể tự tạo ra các ngôn ngữ lập trình và công cụ lập trình cho riêng mình.
Trong vòng 30-40 năm, năng lực của AI mặc dù có cải thiện nhưng phần lớn vẫn còn kém xa so với năng lực trung bình của con người. Nhưng chỉ trong vòng 5-10 năm trở lại đây, năng lực của AI đã cải thiện một cách vượt bậc theo cấp số nhân. Cho đến nay, các năng lực như nhận dạng hình ảnh, nhận dạng giọng nói, hiểu ngôn ngữ… thì AI đã vượt qua trình độ của người bình thường.
Tiềm năng của AI là rất lớn, lớn đến mức có thể nói là "không giới hạn". Đây cũng là lí do mà nó tạo ra nhiều quan ngại trong giới nghiên cứu và phát triển AI.
AI có thể tạo ra những thay đổi cực kỳ sâu sắc trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của loài người. Những thay đổi này có thể là tích cực, nhưng cũng có thể là tiêu cực, ngay cả những người sáng tạo ra AI cũng không biết trước được nó sẽ đi theo chiều hướng nào. Thậm chí, có ý kiến cho rằng AI có thể đe dọa sự tồn vong của loài người, dẫn đến sự tuyệt chủng.
Xã hội tương lai sẽ như thế nào nếu AI làm thay hầu hết các công việc của con người bây giờ? AI giúp xây nhà hay làm việc trong các công trình, vậy các kỹ sư và thợ xây thì sẽ như thế nào? AI có thể khám chữa bệnh và phẫu thuật cực kỳ chính xác, vậy các bác sĩ sẽ như thế nào? AI có thể dạy trẻ con học hành cực kỳ hiệu quả, vậy các thầy cô giáo sẽ như thế nào? AI có thể lái xe và lái máy bay cực kỳ an toàn, vậy các tài xế và phi công sẽ như thế nào?
Tương tự như thế, AI có thể thay thế hoàn toàn công việc hiện tại của kế toán, luật sư, thợ máy, nhân viên bán hàng,… Vậy thì đời sống kinh tế xã hội của con người trong tương lai sẽ ra sao? Chưa có ai có thể hình dung chắc chắn về những thay đổi đó, rất nhiều câu hỏi vẫn đang bỏ ngõ chưa trả lời.
AI có thể điều khiển được tâm trí của con người, tương tự như cách mà các chính trị gia đang thu hút công chúng, tương tự như cách mà những nghệ sĩ tạo ảnh hưởng lên người hâm mộ, hoặc tương tự như cách mà các tôn giáo thiết lập trật tự và đức tin lên các tín đồ của mình. Tình huống này xét về mặt kỹ thuật thì là "việc dễ" đối với AI bởi vì chúng có khả năng hiểu mỗi cá nhân của chúng ta tốt hơn những gì chúng ta biết về chính mình. AI có thể đưa ra những tuyên bố, những hứa hẹn, những thông điệp để thỏa mãn đám đông, qua đó tạo nên sự tin tưởng, thân mật và dẫn dắt "tín đồ" của mình.
Mối quan ngại lớn nhất về AI chính là tình huống mà con người mất kiểm soát đối với chúng. Có một thuật ngữ chuyên môn được gọi là điểm kỳ dị (singularity) để nói đến thời điểm mà AI phát triển vượt qua khỏi hiểu biết và tầm kiểm soát của con người. Những gì sẽ diễn ra sau thời điểm đó thì chúng ta không biết. Thuật ngữ này được mượn từ lí thuyết về điểm kỳ dị của hố đen trong vũ trụ, khi mà một vật thể vượt qua giới hạn an toàn và bị hút vào lỗ đen, những gì diễn ra sau đó chúng ta cũng không biết. Tình huống mất kiểm soát này không phải là một giả tưởng xa vời, mà nó có thể diễn ra rất sớm, thậm chí là sớm đến mức chúng ta không ngờ tới, bởi vì tốc độ học và phát triển của AI là nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đã biết từ trước tới nay.
Người ta ví AI bây giờ đang như một đứa trẻ con vừa mới được sinh ra và đang dò dẫm học hỏi. Nhưng nó sẽ học rất nhanh và tiến hóa rất nhanh nếu so với quá trình tiến hóa của loài người. Loài người mất hàng triệu năm để tiến hóa từ động vật bậc thấp lên các cộng đồng có hình thức tổ chức xã hội tiên tiến, mất hàng nghìn năm để có những tiến bộ về hiểu biết và khoa học, mất hàng trăm năm để có thể phổ biến ngành công nghiệp, mất hàng chục năm để có thể ứng dụng máy tính vào trong công việc. Nhưng AI có tốc độ học và phát triển ở cấp số mũ, có thể chỉ cần mất vài tháng để học được một lượng tri thức khổng lồ của cả thế giới, mất vài ngày để tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ nhiều hơn cả nhân loại đang tạo ra, mất vài giờ để làm sụp đổ cả thế giới.
Đứng trước những tiềm năng to lớn, những rủi ro không biết trước, kèm với tốc độ tiến hóa nhanh chưa từng có của AI, câu hỏi lớn còn lại là: Chúng ta nên làm gì?
Trước tiên là hành động của những đơn vị nghiên cứu và phát triển AI, họ cần minh bạch những hoạt động của mình và tạo ra thật nhiều những quy tắc và công cụ để đảm bảo sự kiểm soát đối với các hệ thống AI mà mình đang phát triển. Đồng thời, các đơn vị phát triển AI cũng cần có những phương án dự phòng để hành động trong những trường hợp phát sinh các sự cố.
Các chính phủ thì cần cập nhật hiểu biết của mình về hiện trạng của AI để đưa ra những quy định nhằm điều phối hài hòa các hoạt động kinh tế xã hội và đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực và rủi ro.
Chẳng hạn, các chính phủ có thể không can thiệp đến quá trình nghiên cứu và phát triển AI của các tổ chức, nhưng chính phủ có thể quản lí quá trình các hệ thống AI đó được đưa vào sử dụng trong đời sống. Tình huống này cũng tương tự như khi các chính phủ kiểm soát an toàn giao thông bằng việc cấp phép cho những mẫu xe đạt tiêu chuẩn đăng ký. Các hãng xe hoặc bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu và chế tạo các mẫu xe khác nhau, nhưng trước khi khi đưa vào sử dụng hoặc thương mại hóa thì cần phải được thẩm định và cấp phép.
Đối với những cá nhân còn lại thì có lẽ không có nhiều thứ có thể làm ngoài việc chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đón nhận một tương lai mà ở đó AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các ngóc ngách của đời sống. Chúng ta sẽ cần trang bị cho mình những kỹ năng để có thể sống và làm việc cùng với AI như là một công cụ, hoặc như là một đối tác, và thậm chí đôi khi là khách hàng.
Tác giả Nguyễn Khắc Nhật là Nhà đồng sáng lập kiêm CEO CodeGym.
CEO CodeGym Nguyễn Khắc Nhật
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ai-dang-nuot-chung-the-gioi-2059754.htm