API tăng lỗ sau soát xét, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ liên quan khoản cho vay và tạm ứng trị giá hơn 273 tỷ đồng

Sau soát xét, API lỗ sau thuế 24,3 tỷ đồng, tức lỗ thêm gần 6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó và lỗ gấp 2,5 lần so với số lỗ của cùng kỳ năm trước.

CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (MCK: API) mới công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024 với nhiều khoản mục có sự biến động.

Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của API tăng hơn 2 tỷ đồng sau soát xét, lên 95,2 tỷ đồng. Giá vốn cũng được điều chỉnh tăng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm về còn 27,8 tỷ đồng.

Sau soát xét, các khoản mục khác như doanh thu hoạt động tài chính, các chi phí…đều có sự điều chỉnh khiến bán niên 2024, API lỗ sau thuế 24,3 tỷ đồng, tức lỗ thêm gần 6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó và lỗ gấp 2,5 lần so với số lỗ của cùng kỳ năm trước.

API cho biết, sự chênh lệch của lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét là do tại thời điểm 30/6, công ty chưa thu thập được BCTC đầy đủ của các đơn vị nên báo cáo tự lập chưa có cơ sở để trích lập các khoản chi phí dự phòng.

Đáng chú ý, BCTC soát xét bán niên 2024 của API bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về khoản cho vay và tạm ứng của công ty này.

Đơn vị kiểm toán cho biết, tại ngày 30/6, các khoản cho vay bên liên quan gồm Công ty TNHH Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương Bắc Ninh, CTCP Thương mại và Du lịch Kim Bôi, CTCP Tập đoàn Apec Group đã quá hạn thanh toán với số dư gốc cho vay và lãi cho vay phải thu lần lượt là hơn 104 tỷ đồng và 41,7 tỷ đồng. Trong đó, khoản cho vay Công ty TNHH Đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương Bắc Ninh không có tài sản đảm bảo; các khoản cho vay còn lại có tài sản đảm bảo nhưng Công ty không có biện pháp kiểm soát đối với các tài sản đảm bảo này.

Chính vì thế, đơn vị kiểm toán không có cơ sở để đánh giá khả năng thu hồi, cũng như không xác định được số dự phòng phải thu khó đòi cần trích lập (nếu có) liên quan đến khoản nợ gốc và nợ lãi cho vay này.

API tăng lỗ sau soát xét, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ liên quan khoản cho vay và tạm ứng trị giá hơn 273 tỷ đồng- Ảnh 1.

Khoản cho vay của API bị đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ. Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 của API.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nêu ý kiến ngoại trừ về số dư tạm ứng tại ngày 30/6 của API cho cán bộ nhân viên để thực hiện triển khai, đầu tư phát triển các dự án tiềm năng là 91,7 tỷ đồng. Các khoản tạm ứng đã được thực hiện từ các năm trước nhưng đến thời điểm lập báo cáo tài chính này vẫn chưa được thu hồi. Đơn vị kiểm toán chưa được cung cấp thông tin về tình hình sử dụng các khoản tạm ứng và các tài liệu, hồ sơ liên quan. Do đó, kiểm toán không thể đưa ra kết luận về việc liệu các khoản tạm ứng có được sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty hay không, cũng như không thể đánh giá được khả năng thu hồi hoặc dự phòng tổn thất cần trích lập liên quan đến các số dư này (nếu có).

Theo giải trình, API cho biết, về khoản cho vay và lãi cho vay các bên liên quan, công ty đánh giá tiềm năng phát triển và lợi ích kinh tế thu được của các công ty cũng như khả năng thu hồi các khoản công nợ. Trên thực tế, số dư cho vay này đã giảm 31,3% so với đầu kỳ.

Về số dư tạm ứng tại thời điểm 30/6, API cho biết, đây là khoản tạm ứng cho cán bộ nhân viên đi triển khai các dự án tiềm năng, giải phóng mặt bằng các dự án đang thực hiện. Công ty đang đôn đốc CBNV khẩn trương hoàn thiện hồ sơ hoàn ứng theo đúng quy định.

Quay trở lại BCTC soát xét bán niên 2024 của API, tại ngày 30/6, công ty có tổng tài sản đạt 2.127,3 tỷ đồng, giảm gần 159 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Kết thúc quý II/2024, công ty nắm giữ 21,7 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 226,9 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 6 – 12 tháng, lãi suất từ 3,4% - 5,5%/năm. Trong đó, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng BIDV – CN Phú Xuân có số dư là 172,35 tỷ đồng đã được cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay thấu chi tại ngân hàng.

Hàng tồn kho giảm nhẹ về mức 848 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của các dự án như KCN Đa Hội 114,6 tỷ đồng; Royal Park Huế 309,8 tỷ đồng; Golden Palace Lạng Sơn 88,3 tỷ đồng; Aqua Park Bắc Giang 71 tỷ đồng…

Phía đối ứng, công ty có tổng nợ phải trả ở mức 1.220,2 tỷ đồng; trong đó nợ vay tài chính ở mức 627,3 tỷ đồng.

Trên thị trường, API được biết đến là 1 mã cổ phiếu thuộc "họ" Apec cùng 2 mã IDJ và APS.

Trong quá khứ, bộ ba cổ phiếu này đã "làm mưa làm gió" trên thị trường với chuỗi tăng phi mã vào thời điểm 2021 cho đến khi ông Nguyễn Đỗ Lăng, cựu Chủ tịch HĐQT Apec Group, đồng thời là cựu Thành viên HĐQT API bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 6/2023 để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp, theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội.

Tháng 5 vừa qua, cổ phiếu API đã "nổi sóng" suốt nửa tháng khi tăng hơn 168% từ từ 6.900 đồng/cổ phiếu lên 11.000 đồng/cổ phiếu sau sự xuất hiện bất ngờ của ông Nguyễn Đỗ Lăng tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của API diễn ra ngày 10/5. Tuy nhiên, từ 29/5 đến nay, API chỉ lình xình quanh vùng 8.000 đồng/cổ phiếu.

Kết phiên giao dịch ngày 6/9, cổ phiếu API dừng ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu.

Vũ Ngọc Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/api-tang-lo-sau-soat-xet-kiem-toan-neu-y-kien-ngoai-tru-lien-quan-khoan-cho-vay-va-tam-ung-tri-gia-hon-273-ty-dong-205240907001731363.htm