Apple - 'Kẻ đáng ghét không ai có thể đụng đến': Vẫn cắt phế gần 30% của các nhà phát triển mặc phán quyết của tòa, quan chức từ châu Âu tới Mỹ đều bó tay

Quyền kiểm soát của Apple đối với App Store vẫn còn nguyên vẹn 100% sau phán quyết của tòa.

Như tin đã đưa, Tòa án Tối cao Mỹ đã buộc Apple phải thay đổi chính sách với App Store, cho phép các nền tảng thanh toán bên thứ 3 cũng có thể tham gia.

Nhìn bề ngoài, kết quả này dường như bất lợi cho Apple.

Nhưng không!

Quyết định của tòa án ngày hôm qua - và quan trọng là phản ứng của Apple đối với quyết định này - có nghĩa là quyền kiểm soát của Apple đối với App Store – cỗ máy quyền lực và cũng là thứ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà Táo khuyết vẫn còn nguyên vẹn 100%. 

Lý do là bởi, trước đây, Apple ép các nhà phát triển nội dung sử dụng hệ thống thanh toán nội bộ của họ để buộc phải chịu mức phí lên đến 30%. Hiện tại, dù đã chấp nhận nền tảng thanh toán thứ 3 nhưng Apple vẫn giữ nguyên tỷ lệ "cắt phế" ở mức 27%, đồng thời cho biết họ có quyền kiểm tra các nhà phát triển xem giao dịch có được hoàn thành hay không.

Tỷ lệ thu phí thanh toán quá cao này đã khiến nhiều nhà phát triển tức giận, coi đó là hành vi chơi xấu khi Apple không tuân thủ đúng cam kết như phán quyết của tòa án trong vụ kiện với Epic.

"Apple đang giết chết sự cạnh tranh khi các nhà phát triển không thể chào bán sản phẩm rẻ hơn nếu vừa phải trả nền tảng thanh toán thứ 3 mức lệ phí 3-6%, rồi lại phải trả tiếp 27% cho Apple", CEO Tim Sweeney của Epic Games bức xúc.

Hiện tại, dường như Apple sẽ chấp nhận dành nhiều thời gian và cả tiền bạc để chống lại mọi nỗ lực nhằm nới lỏng sự kiểm soát App Store.

Tin tức ngày hôm qua xuất phát từ cuộc chiến kéo dài giữa Apple và Epic Games, công ty sở hữu tựa game nổi tiếng Fortnite. Vào năm 2020, Epic lập luận rằng việc Apple kiểm soát App Store của mình - và quan trọng là cách các nhà phát triển như Epic phải sử dụng App Store của Apple để bán các mặt hàng "bên trong ứng dụng" là độc quyền. Vì vậy, Epic đã cố tình phớt lờ các quy tắc của Apple và thách thức công ty công nghệ này cấm Fortnite.

Apple phản ứng bằng cách về cơ bản cấm Fortnite trên App Store và hai công ty đã ra tòa kể từ đó.

Apple - 'Kẻ đáng ghét không ai có thể đụng đến': Vẫn cắt phế gần 30% của các nhà phát triển mặc phán quyết của tòa, quan chức từ châu Âu tới Mỹ đều bó tay - Ảnh 1.

Tuần này, Tòa án Tối cao đứng về phía Apple ở hầu hết mọi điểm, ngoại trừ một điểm: Tòa cho rằng Apple cần cho phép các nhà phát triển nói với người dùng rằng họ có thể mua những hàng hóa kỹ thuật số đó bên ngoài App Store của Apple. Thoạt nhìn, điều này có vẻ như là một vấn đề lớn.

Nhưng nếu nhìn vào kế hoạch thực hiện chỉ thị đó của Apple, bạn sẽ thấy rằng Apple sẽ tuân thủ các quy tắc đồng thời khiến chúng không còn phù hợp nữa. Nói tóm lại, Apple đang đảm bảo rằng trải nghiệm thực sự rời khỏi ứng dụng Apple để mua thứ gì đó trên trang web của nhà phát triển là một điều khó khăn đối với cả nhà phát triển và khách hàng. Và Apple đang đảm bảo rằng việc bán những thứ đó sẽ khiến các nhà phát triển phải trả giá nhiều - thậm chí có thể còn nhiều hơn - so với việc bán trong ứng dụng Apple.

Vì vậy, sẽ không có lý do gì để bất cứ ai làm điều này. Đó chính xác là những gì Apple muốn.

Trong nhiều năm, các nhà phát triển và một số cơ quan quản lý đã phàn nàn về cách Apple kiểm soát chặt chẽ App Store của mình và mức cắt phế lên tới 30% mà Apple tính cho các giao dịch được thực hiện bên trong ứng dụng của mình. Và trong nhiều năm, Apple đã phản hồi kiểu "ai không thích thì có thể rời Apple Store".

Apple chỉ nhượng bộ khi 1 tòa án hoặc 1 quốc gia yêu cầu họ phải nhượng bộ, và sau đó họ thực hiện điều đó theo cách miễn cưỡng nhất có thể. Vì vậy, ngay cả trong một thế giới mà các cơ quan quản lý ngày càng nhắm tới Big Tech nhiều hơn, Apple vẫn đấu tranh quyết liệt để kiểm soát cửa hàng của mình.

App Store – cỗ máy in rất nhiều tiền

Một mặt, coi thường các cơ quan quản lý chống độc quyền có vẻ như là một chiến lược đầy rủi ro, thậm chí là rủi ro cao.

Mặt khác, đó lại là một chiến lược đã mang lại kết quả xứng đáng cho Apple trong nhiều năm.

Doanh thu từ App Store là động lực chính cho doanh thu "dịch vụ" của Apple, điều này ngày càng quan trọng đối với Apple khi tốc độ tăng trưởng doanh số iPhone chậm lại (vì ai muốn có iPhone đều đã có iPhone và vì iPhone quá tốt nên ít có động lực để đổi chúng thường xuyên). Năm ngoái, Apple đã tạo ra hơn 85 tỷ USD doanh thu dịch vụ - chiếm 22% tổng doanh thu của toàn công ty.

Apple - 'Kẻ đáng ghét không ai có thể đụng đến': Vẫn cắt phế gần 30% của các nhà phát triển mặc phán quyết của tòa, quan chức từ châu Âu tới Mỹ đều bó tay - Ảnh 2.

Và doanh thu từ các trò chơi - bao gồm cả Fortnite ngày xưa - là động lực lớn nhất cho doanh số bán hàng của App Store cho đến nay. Vào năm 2021, một thẩm phán Mỹ đã tuyên bố rằng trò chơi chiếm tới 70% doanh thu trên App Store của Apple.

Liệu EU – hay bất kỳ ai khác có thể buộc Apple phải thay đổi?

Apple cho biết họ duy trì các chính sách của App Store vì chúng bảo vệ người dùng và vì họ xứng đáng được điều hành cửa hàng của mình theo cách họ muốn. Nhưng, những chính sách đó của App Store cho phép Apple tạo ra doanh thu có tỷ suất lợi nhuận cao hàng tỷ USD. Và Apple không muốn từ bỏ một xu nào trong số đó trừ khi họ thực sự cần phải làm vậy.

Điều đó thực sự có thể xảy ra vào một ngày nào đó. Liên minh Châu Âu cho biết họ cho rằng các chính sách của App Store của Apple đối xử không công bằng với các dịch vụ âm nhạc như Spotify và EU đang lên kế hoạch công bố các quy tắc mới để khắc phục điều đó. Và thực sự có thể các quy định của EU sẽ thay đổi căn bản cách thức hoạt động của các chính sách của Apple.

Nhưng quan điểm của Apple về vấn đề này rất rõ ràng: Họ sẽ chống lại bất kỳ thay đổi nào trong số đó miễn là có thể, theo bất kỳ cách nào có thể. Apple có hàng tỷ lý do để làm như vậy.

Theo: BI

Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/apple-ke-dang-ghet-khong-ai-co-the-dung-den-van-cat-phe-gan-30-cua-cac-nha-phat-trien-mac-phan-quyet-cua-toa-quan-chuc-tu-chau-au-toi-my-deu-bo-tay-2058447.htm