Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam - mới đây có bài phân tích về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan tại Việt Nam.
"Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Hà Nội. Năm 2024, các phòng thương mại tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đánh dấu ba thập kỷ hoạt động. Đây là những cột mốc cho thấy sự cam kết đầu tư lâu dài của Đài Loan vào Việt Nam và mối quan hệ kinh doanh mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế", ông Campbell nói.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2024, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ tư về vốn đầu tư với 3.186 dự án và 40,23 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 1988.
Savills dẫn một khảo sát cho thấy khoảng 18% các doanh nghiệp sản xuất truyền thống của Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường này.
Sự gia tăng đầu tư phù hợp với Chính sách Hướng Nam Mới của Đài Loan (NSP), tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Kể từ khi ra đời năm 2016, chính sách này đã thúc đẩy các doanh nghiệp Đài Loan tăng cường hợp tác đáng kể với các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, mang lại lợi ích lớn cho ngành điện tử công nghệ cao của Việt Nam.
Theo Savills, các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) ưa thích lực lượng lao động trẻ, ngày càng có tay nghề cao của Việt Nam, môi trường kinh doanh ổn định, chi phí lao động và xây dựng cạnh tranh, vị trí địa lý gần các thị trường nguồn và thị trường tiêu thụ, cùng sự tham gia tích cực vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất Đài Loan đã thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam với tầm nhìn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro sản phẩm, trong đó có các tập đoàn điện tử lớn như Foxconn, Pegatron, Compal, Wistron, Tripod.
Tripod Technology là doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, với 250 triệu USD. Địa phương "đại bàng" này lựa chọn là Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tripod tìm hiểu Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm ngoái. Trong một cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 3/2023, ông Michael Lu - Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của Tripod - chia sẻ về kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao (sản xuất bo mạch điện tử), dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại đây, doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về các quy định, môi trường đầu tư, điều kiện cơ sở vật chất và chính sách ưu đãi đầu tư.
Cũng trong Quý 1 năm ngoái, Tripod đã nhận chuyển nhượng Công ty TNHH FICT Việt Nam, tiền thân là Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, chuyên sản xuất bảng mạch điện tử thuộc Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản), tại Đồng Nai, đồng thời đầu tư thêm 200 triệu USD mở rộng nhà máy.
Savills nhìn nhận Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm chất sản xuất bán dẫn, trong khi Đài Loan nổi tiếng với ngành công nghiệp chất bán dẫn thành công. Do đó, Savills cho rằng các nhà đầu tư Đông Bắc Á này có thể cung cấp kiến thức chuyên môn quý báu mà Việt Nam có thể tận dụng để đạt được các mục tiêu của mình.
Trong năm 2023, Việt Nam đã thành công thu hút 36,6 tỷ USD FDI, tăng hơn 4 lần so với năm 2022. Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 2,88 tỷ USD, chiếm 8% tổng FDI đăng ký và tăng 13% so với năm 2022. Điện tử vẫn là ngành sản xuất lớn nhất từ Đài Loan vào năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút tổng cộng 15,18 tỷ USD FDI đăng ký, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Về tổng FDI đăng ký, Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 1,05 tỷ USD, chiếm 7% tổng vốn.
Trong 6 tháng đầu năm, Đài Loan (Trung Quốc) có 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam với tổng giá trị 513,37 triệu USD, chiếm 49% tổng FDI của Đài Loan trong giai đoạn này.
Theo dữ liệu của Savills, trong số 39 dự án sản xuất mới của Đài Loan trong 6 tháng đầu năm 2024, có 24 giao dịch là đất công nghiệp và 15 dự án nhà xưởng. Các dự án cần đất công nghiệp chiếm ưu thế về doanh thu, chiếm 92% vốn đầu tư.
Các giao dịch nhà xưởng, chiếm 38% tổng số dự án, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng từ nhiều nhà sản xuất Đài Loan, từ nhà cung cấp đến các tập đoàn điện tử lớn, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng trung bình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những công ty này thường không yêu cầu quỹ đất lớn và thích hợp đồng thuê ngắn hạn hơn do phụ thuộc vào hợp đồng với khách hàng. Nhu cầu này tạo cơ hội cho các nhà phát triển nhà xưởng và kho ở Việt Nam. Ví dụ, BW Industrial Development, nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê lớn nhất Việt Nam, hiện có 18 khách thuê người Đài Loan, bao gồm Jusda, Sable Speaker Solutions, Tập đoàn FSP và Alltop.
Theo ngành công nghiệp, nhóm ngành điện tử đứng đầu về giá trị đầu tư với bốn 4 dự án, tổng cộng 255 triệu USD, chiếm 50%. Ngành may mặc đứng thứ hai, chiếm 24% với 5 dự án, tiếp theo là thiết bị điện với 11% với 7 dự án.
"Khi chúng tôi xem xét FDI sản xuất của Đài Loan trong những năm gần đây, xu hướng đáng chú ý nhất là sự gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 đến năm 2023, nhấn mạnh sự nghiêm túc của các nhà đầu tư Đài Loan trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á sau đại dịch".
"Cụ thể, FDI sản xuất mới đăng ký của Đài Loan năm 2023 là 1,87 tỷ USD, gần gấp 8,7 lần so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 513 triệu USD từ các khoản đầu tư sản xuất mới của Đài Loan, và dự kiến sẽ còn tăng đáng kể vào cuối năm khi nhiều dự án điện tử lớn hoàn thành đăng ký", ông Campbell nói.
Cộng tác viên