Năm 2019, vợ chồng chị Hằng tiết kiệm được 2 tỷ đồng và vay mượn thêm người thân 300 triệu đồng mua căn nhà trong ngõ 4 tầng, diện tích 35m2 ở Thanh Xuân (Hà Nội). Đến năm 2024, nhà trong ngõ khu chị Hằng tăng vọt. "Hồi đầu năm, hàng xóm nhà tôi bán xong căn nhà 40m2 với giá 5 tỷ đồng. Thấy nhà quanh khu mình lên giá cao như vậy, tôi cũng muốn bán và mua một căn khác có vị trí đẹp hơn, không còn nằm sâu trong ngõ", chị Hằng cho biết.
Quyết bán nhà, chị Hằng được môi giới báo căn nhà đang ở với giá tầm 5,5 tỷ đồng. Tính ra, căn nhà đã tăng hơn gấp đôi so với lúc mua.
Vợ chồng chị Hằng hí hửng không ngờ nhà mình có giá như vậy và bàn tính sau khi bán xong sẽ rút 2 tỷ đồng tiết kiệm đang gửi ngân hàng về để tìm mua một căn nhà ra ngoài mặt ngõ, có vị trí đẹp và có thể kinh doanh, buôn bán với tầm tài chính 7,5 tỷ đồng.
Chỉ sau hơn 1 tháng đăng bán, căn nhà vợ chồng chị Hằng đã "trôi" với giá thu về sau khi trừ chi phí cho môi giới hơn 5,3 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian chờ làm thủ tục, giao nhà cho khách, vợ chồng chị Hằng đi tìm được một căn nhà ưng ý dù diện tích nhỏ hơn căn cũ nhưng bù lại được vị trí và căn nhà mới xây khá hiện đại, đẹp. Thế nhưng, tưởng chừng việc đổi nhà đã thành công đến nơi thì chủ nhà mới "quay xe" không bán.
Chị Hằng kể: "Trước khi chốt bán cho khách căn nhà của mình, tôi đã tìm được một căn nhà ở ngoài mặt ngõ, gần đường ô tô đi qua. Cả hai bên đã thống nhất giá cả và hẹn tối đặt cọc. Thế nhưng, khi tôi vừa nhận cọc bán căn nhà của mình và sang đặt cọc mua căn nhà mới thì chủ nhà báo tăng giá thêm 300 triệu đồng. Hai vợ chồng bàn tính và quyết định không mua nữa. Tôi nghĩ với tầm tài chính vợ chồng tôi có thể cố lên được 8 tỷ thì cũng sẽ dễ tìm nhà".
Thế nhưng, việc tìm nhà mới không dễ dàng chút nào. Đến thời điểm bàn giao nhà mình cho khách, vợ chồng chị Hằng vẫn chưa tìm được căn nhà nào ưng ý. Thậm chí, nhiều căn còn xấu hơn cả nhà chị Hằng mà giá còn đòi cao hơn. "Tôi đành thuê 1 căn hộ 50m2 với giá 6 triệu đồng/tháng để ở tạm. Còn tiền bán nhà gửi tạm vào ngân hàng. Lúc này mới thấy, nhà mình bán được giá cao thì những căn nhà khác tăng giá chẳng kém cạnh gì", chị Hằng nói.
Theo báo cáo của Onehousing, đơn giá đất nhà trong ngõ ghi nhận xu hướng tăng trung bình 2,9-8% theo năm từ 2020 đến nay. Trong quý 1/2024 giá nhà trong ngõ đã đạt mức 170 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực trung tâm, và 100 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực ngoài trung tâm.
6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng giao dịch thổ cư Hà Nội đạt 22.000 căn, tăng mạnh trong tháng 4, sau đó giảm dần trong tháng 5-6. Mặc dù giảm, lượng giao dịch tháng 5-6 khoảng 3.700 căn/tháng cao hơn thời điểm đầu năm.
Khu Tây và khu Đông Hà Nội chiếm 66% lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2024, trong đó khu Tây dẫn đầu thị trường khi có 9.000 giao dịch (40% thị phần), tiếp sau là khu Đông với 6.000 giao dịch (26% thị phần).
Tính chung toàn quý 2, lượng giao dịch thổ cư khoảng 13.000 căn, tăng 4.300 căn so với quý 1. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ các quận khu Đông (tăng hơn 2.000 căn) - đóng góp 50% vào tăng trưởng của cả thị trường.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, thị trường thổ cư dự kiến ghi nhận 23.000 giao dịch, tập trung chủ yếu tại khu Đông và khu Tây.
Chia sẻ về việc tăng giao dịch nhà thổ cư trong ngõ, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh Doanh OneHousing cho biết, đây là phân khúc vừa tiền cho những chân dung khách hàng thích ăn chắc mặc bền và thói quen sinh hoạt ở nhà mặt đất.
Xét về yếu tố rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư với sản phẩm nhà thổ cư là không có. Nếu có chỉ là vấn đề nhà đầu tư nên quan tâm tới việc lựa chọn mua ở quận nào, khu vực nào và an ninh ở đó ra sao….ví dụ, không nên mua nhà trong ngõ quá sâu, quá nhỏ để khi gặp các rủi ro về cháy nổ xe chữa cháy khó đi vào, và cần lưu ý các vấn đề an ninh, an toàn và vấn đề tiện ích,...
Cộng tác viên