Cục Thuế TP.Hải Phòng mới đây đã có văn bản số 288/TB-CTHPH thông báo về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.
Theo đó, có 652 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước đến thời điểm 31/12/2024 với số tiền gần 1.552 tỷ đồng.
Lý do công khai là các đơn vị nói trên vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 100 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và điểm g khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Theo Danh sách ban hành kèm Thông báo số 288/TB-CTHPH của Cục Thuế TP.Hải Phòng, một số doanh nghiệp nợ thuế lên đến hơn trăm tỷ đồng như: Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Hải Linh Hải Phòng (gần 186,5 tỷ đồng), Công ty CP Daso Hải Phòng (144 tỷ đồng); Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (139 tỷ đồng);
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng nợ số tiền hàng chục tỷ đồng như: Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức tại TP.Hải Phòng (95 tỷ đồng); Công ty CP Xăng dầu Nhật Minh (gần 83,3 tỷ đồng); Công ty CP Lisemco (hơn 77,4 tỷ đồng); Công ty Sản xuất Thép Úc SSE (hơn 52,9 tỷ đồng); Công ty CP Thể thao Hải Phòng (gần 32 tỷ đồng); Công ty CP Lilama 69-2 (gần 31,7 tỷ đồng);...
Tổng cục Thống kê vừa có Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025 với nhiều chỉ số đáng chú ý.
Theo đó, trong tháng 1/2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng trước và giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,6 lần so với tháng 12/2024 và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2024, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2025 lên hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 1/2025, có 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; có gần 3,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 55,2%; có 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 8,3%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 58,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 bằng 4,1% và tăng 16,9%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/01/2025 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng đầu năm 2025 ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2025 có có 10 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 83,0 triệu USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 275,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14% dự toán năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2024. Lạm phát cơ bản tháng 01/2025 tăng 3,07%.
Chỉ số giá vàng tháng 1/2025 tăng 1,03% so với tháng trước; tăng 29,13% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng đầu năm 2025 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm 2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%).
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trướ. Trong đó xuất khẩu giảm 4,3%; nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng đầu tiền trong 2025 xuất siêu 3,03 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.
Quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm qua, từ 16,4 tỷ USD năm 2022 và ước đạt 25 tỷ USD trong năm 2024.
Số liệu quản lý thu thuế giai đoạn 2022-2024 cho thấy tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp. Cụ thể, năm 2022 là 183 tỷ đồng và năm 2023 chỉ khoảng 67 tỷ đồng. Riêng năm 2024 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng thu từ hơn 300.000 cá nhân kinh doanh trên hơn 400 sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thông tin từ Bộ Tài chính, thống kê theo dữ liệu của hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định thì có hơn 300.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thu thuế năm 2024 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng tại 5 sàn TMĐT lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab), có hơn 300.000 gian hàng, tương ứng doanh số trên 70.000 tỷ đồng, chưa định danh được người dùng.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh online sẽ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân tổng cộng 1,5% trên tổng doanh thu.
Bộ Tài chính ước tính, với hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70.000 tỷ đồng, nếu tính theo tỷ lệ 1,5%, ước tính số thuế thu là khoảng 1000 tỷ đồng, giả thiết các gian hàng này là của cá nhân chưa phân biệt cá nhân có doanh thu cao hơn hay thấp hơn ngưỡng doanh thu không chịu thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng quy định tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thay thuế của hộ, cá nhân bán hàng trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay gồm cả đối tượng cư trú và không cư trú tại Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc này sẽ giúp tăng thu ngân sách Nhà nước với thu nhập từ kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn, nhất là các đối tượng chưa định danh được.
PV
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-10-2-2025-205250209191842664.htm