CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, HĐQT sẽ triển khai chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); đồng thời chuẩn bị nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục có liên quan để niêm yết cổ phiếu trong năm 2024.
Cổ phiếu BSR giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 3/2018. Tính đến ngày 12/8, BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 23 tính trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 72.000 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD). Nếu tính riêng trên HoSE, vốn hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ xếp sau 19 doanh nghiệp khác.
Về tình hình kinh doanh quý II/2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu 24.428 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, giảm 42%.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận 55.118 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 1.884 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương ứng 58% mục tiêu doanh thu và vượt 64% kế hoạch lãi sau thuế cả năm.
Tại cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của BSR đi ngang so với đầu năm, đạt hơn 86.200 tỷ đồng. Đáng kể nhất là "núi tiền" khổng lồ tới gần 40.000 tỷ đồng, tăng 5% dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm hầu hết nợ phải trả, ghi nhận hơn 28.500 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn gần 14.900 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm, toàn bộ là nợ vay ngân hàng.
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (MCK: VHD) đã chốt danh sách cổ đông để tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 dự kiến tổ chức ngày 5/9/2024. Địa điểm họp tại Tòa nhà Vinahud, số 105 phố Nguyễn Bá Khoản, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Nội dung cuộc họp nhằm miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Minh Tuấn và ông Ngô Đức Tâm đồng thời miễn nhiệm 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Phạm Thanh Huyền và ông Phan Anh Tuấn. Cùng với đó, cổ đông sẽ bầu các thành viên thay thế.
Đại hội cũng sẽ thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp của Vinahud tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, việc thanh toán trước hạn khoản vay tại ngân hàng.
Doanh nghiệp này cũng mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần gần 69,4 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và lỗ ròng 55 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Vinahud đạt 119,4 tỷ đồng, giảm 21% và lỗ sau thuế 106,5 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lỗ hơn 57 tỷ đồng cùng kỳ.
Năm 2024, Vinahud lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 603 tỷ đồng và 18,8 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty vẫn còn cách rất xa chỉ tiêu đề ra.
Tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (ngày 7/8/2024), CTCP Cảng Quốc tế Vạn Ninh đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu không được công bố. Ông Trần Ngọc Tuấn (SN 1976) là Giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (MCK: VCG) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Cảng Quốc tế Vạn Ninh.
Tháng 6/2024, Vinaconex thông báo về giao dịch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Cảng Quốc tế Vạn Ninh. Trước đó, HĐQT VCG đã có Quyết định số 889/2024/QĐ-HĐQT phê duyệt chuyển nhượng vốn góp đầu tư tại Cảng quốc tế Vạn Ninh .
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex, tính đến ngày 31/3/2024, VCG sở hữu 40% cổ phần tại Cảng Vạn Ninh, tương ứng giá trị phần vốn góp là 198,3 tỷ đồng.
Cảng Quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư của Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, nằm trong cụm cảng Vạn Ninh - Vạn Gia thuộc cảng biển Quảng Ninh.
Dự án có tổng vốn đầu tư 2.248 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 82,79 ha đất (gồm 46,55ha đất và 36,24ha mặt nước).
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/5/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 318.799 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 44.080 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 86.330 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 49.127 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 61.483 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 126.794 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 94.402 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh Bất động sản khác đạt 424.422 tỷ đồng. Ngoài ra, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 14.406 tỷ đồng.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn số liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104,109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11,378 tỷ đồng. Nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Trong quý II/2024, số liệu báo cáo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu về thị trường trái phiếu cho thấy trái phiếu bất động sản đã có xu hướng phát hành tăng trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực nợ đáo hạn so với quý trước.
Như vậy, số liệu trong quý II/2024 cho thấy những dấu hiệu về phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản đã trở lại và có thể kỳ vọng ổn định hơn cho một kênh huy động vốn quan trọng của ngành bất động sản.
PV
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-14-8-2024-205240814195616755.htm