Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank, MCK: LPB) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu ngày 4/10/2024.
Theo đó, LPBank đã phát hành thành công 2.000 trái phiếu mã LPBL2427006 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 5,4%. Giá trị phát hành lên đến 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 4/10/2027.
Đáng chú ý, đây là lô trái phiếu thứ 6 mà LPBank đã phát hành trong năm 2024 (theo công bố trên HNX).
Trước đó, ngày 2/10/2024 LPBank thông báo đã phát hành thành công 330 trái phiếu mã LPBL2431005 có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị phát hành là 330 tỷ đồng, lãi suất phát hành là 7,58%, kỳ hạn 7 năm, dự kiến đáo hạn ngày 2/10/2031.
Ngày 30/9/2024, LPBank đã phát hành thành công 160 trái phiếu mã LPBL2431004 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu; tương ứng giá trị phát hành 160 tỷ đồng. Với kỳ hạn 7 năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn ngày 30/9/2031.
Xa hơn nữa, LPBank đã phát hành 3 lô trái phiếu LPBL2431001, LPBL2431002 và LPBL2431003 cùng có kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị phát hành là 1.820 tỷ đồng. Theo thông tin trên HNX, cả 3 lô trái phiếu của LPBank đều có lãi suất phát hành là 7,58%.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, theo công bố trên HNX, LPBank đã huy động thành công 4.310 tỷ đồng chỉ tính riêng trên kênh phát hành trái phiếu.
Ở chiều ngược lại, ngày 26/9/2024, LPBank đã tiến hành mua lại 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu LPBL2326003 chỉ sau 1 năm phát hành.
Sau đó 1 ngày (27/9/2024), ngân hàng này tiếp tục tất toán trước hạn lô trái phiếu LPBL2325004 có giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.
Ngày 14/10, Bộ Công Thương đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 năm 2024.
Trong đó, Bộ Công Thương cho biết, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.
Cục phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể gồm: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 2 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 2 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
"Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra thì đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm", Bộ Công Thương nêu rõ.
Về công tác kháng kiện, tính đến hết tháng 8 năm 2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực.
Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngày 14/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long và quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vũ Văn Tặng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, theo khoản 2 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Theo điều tra của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long đã triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm, cung cấp vật tư cho hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, Vũ Văn Tặng đã không tuân thủ đúng quy định, mà đã đồng ý cho cấp dưới là Hà Văn Tiến (45 tuổi, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long; Quản đốc phân xưởng sản xuất) và Lương Đức Huy (40 tuổi, trú phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long; Phó quản đốc Phân xưởng sản xuất) mua sắm hàng hoá, vật tư thiết bị trước.
Sau đó, Tặng chỉ đạo Nguyễn Văn Chuẩn (49 tuổi, trú phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long; Trưởng phòng vật tư) và Nguyễn Thị Thảo (43 tuổi, trú phường Việt Hưng, TP.Hạ Long; là cán bộ Phòng vật tư) phối hợp cùng Huy, Tiến hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu, thể hiện Công ty Cổ phần thiết bị điện Thống Nhất (do Tiến và Huy thành lập, điều hành) trúng thầu và nâng khống giá trị hàng hoá đối với các gói thầu nêu trên, nhằm mục đích trục lợi, gây thiệt hại lớn cho Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế, xảy ra tại Công ty Cổ phần thiết bị điện Thống Nhất, Công ty Minh Nhật, Công ty An Khang, Công ty Bình Minh và đơn vị có liên quan.
Ra các quyết định khởi tố bị can đối với Hà Văn Tiến, Lương Đức Huy, Phạm Thị Thắm, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Tuyết về hành vi trên. Quá trình điều tra xác định, các Công ty trên đã xuất bán khoảng hơn 1.000 tờ hóa đơn GTGT khống, với tổng giá trị ghi trên hóa đơn khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra các quyết định khởi tố bổ sung bị can đối với Hà Văn Tiến, Lương Đức Huy; các quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Văn Tặng, Nguyễn Văn Chuẩn, Nguyễn Thị Thảo, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 2 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Ra lệnh tạm giam đối với Hà Văn Tiến, Lương Đức Huy, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Văn Tặng, Nguyễn Văn Chuẩn; lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thảo.
Các lệnh và quyết định nêu trên đã được VKSND tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/10, Cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng vừa thông báo kết quả kiểm tra tổng số 19 đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn từ đầu năm đến nay. Trong đó, Cục đã tiến hành xử phạt 4 đơn vị do có nhiều vi phạm.
Các đơn vị này có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu như: không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; không gửi thông tin hệ thống phân phối xăng dầu cho bên giao đại lý để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…
Cục Quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 4 đơn vị này với số tiền 72,5 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường, trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố ổn định, không xảy ra biến động, bất thường. Đơn vị đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường, diễn biến cung cầu, giá cả nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Các Đội QLTT thường xuyên giám sát tình hình cung ứng xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn quản lý để đảm bảo các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu chấp hành các quy định của pháp luật, không đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Trong diễn biến khác, cuối tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện một trường hợp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giấy phép đã hết hiệu lực.
Cụ thể, tiếp tục triển khai Quyết định số 119/QĐ-QLTTGL ngày 26/12/2023 về ban hành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Gia Lai, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra định kỳ tại Công ty TNHH MTV X.D.N.Q tại địa chỉ xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Qua kiểm tra, đại diện Công ty TNHH MTV X.D.N.Q cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty hoạt động kinh doanh xăng dầu được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 phát hiện Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp cho công ty này đã hết hiệu lực (từ ngày 13/6/2024 đến ngày 1/8/2024). Theo quy định, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ và gửi về Sở Công Thương "trước ít nhất 30 ngày làm việc".
Dù vậy, Công ty TNHH MTV X.D.N.Q đã không lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện theo đúng thời gian quy định.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính và căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định về việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 xác định: Hành vi vi phạm tại Công ty TNHH MTV X.D.N.Q là hành vi vi phạm đã kết thúc và còn trong thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính.
Với những vi phạm trên, Đội QLTT số 2 đã hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty về hành vi "Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực" với số tiền 50 triệu đồng.
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-15-10-2024-205241014205754573.htm