Bản tin kinh tế ngày 19/4/2025

MSB tất toán sớm lô trái phiếu 800 tỷ đồng; Hơn 49 triệu cổ phiếu RDP bị hủy niêm yết; … là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 19/4/2025.

MSB tất toán sớm lô trái phiếu 800 tỷ đồng

Bản tin kinh tế ngày 19/4/2025- Ảnh 1.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MCK: MSB, sàn HoSE) vừa có văn bản công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo đó, ngày 16/4/2025, MSB đã chi 800 tỷ đồng để tiến hành mua lại lô trái phiếu MSBL2427001 trước hạn 2 năm.

Được biết, lô trái phiếu này gồm 800 trái phiếu, được phát hành từ ngày 16/4/2024, tổng giá trị phát hành 800 tỷ đồng. Với kỳ hạn 3 năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 16/4/2027.

Các thông tin về trái chủ, mục đích phát hành,... không được công bố. Tuy nhiên, theo công bố trên HNX, lãi suất phát hành của lô trái phiếu này là 3,9%/năm.

Liên quan đến trái phiếu của MSB, mới đây ngân hàng này vừa công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi định kỳ cho kỳ báo cáo năm 2024.

Theo đó, trong năm 2024, MSB đã thực hiện thanh toán đúng hạn tổng cộng gần 6.299,1 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho 7 lô trái phiếu. Được biết, các lô trái phiếu này có lãi suất giao động từ 4,0%/năm đến 7,5%/năm, giá trị thanh toán lãi từ hơn 40,1 tỷ đồng/lô đến hơn 87,2 tỷ đồng/lô trái phiếu, giá trị thanh toán gốc từ hơn 75,3 tỷ đồng/lô đến 1.500 tỷ đồng/lô trái phiếu.

Hơn 49 triệu cổ phiếu RDP bị hủy niêm yết từ 24/4/2025

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có Quyết định số 235/QĐ-SGDHCM về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Rạng Đông Holding (MCK: RDP).

Theo đó, hơn 49 triệu cổ phiếu RDP sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE kể từ ngày 24/4/2025 do Rạng Đông Holding đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu RDP tại HoSE là ngày 27/11/2024, do cổ phiếu đang bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 28/11/2024 theo Quyết định số 651/QĐ-SGDHCM ngày 21/11/2024.

Trước đó, HoSE đã có văn bản thông báo về việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding.

HoSE cho biết, cổ phiếu RDP đang nằm trong các diện theo dõi vi phạm gồm đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch; vào diện cảnh báo do chậm công bố thông tin (CBTT) báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Đồng thời, cổ phiếu RDP cũng nằm trong diện cảnh báo do Rạng Đông Holding có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ là âm 142,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 205,7 tỷ đồng.

Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch, Rạng Đông Holding chưa khắc phục các vi phạm CBTT và tiếp tục vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Tính đến ngày 10/4/2025, HoSE chưa nhận được CBTT báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 (mẹ và hợp nhất), báo cáo tài chính quý III/2024 (mẹ và hợp nhất), báo cáo tài chính quý IV/2024 (mẹ và hợp nhất), báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 (mẹ và hợp nhất) của công ty.

Căn cứ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, căn cứ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE thông báo về việc sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holding.

Trước đó, ngày 2/4/2025, HoSE cũng đã có văn bản nhắc nhở Rạng Đông Holding về việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

Xa hơn nữa, HoSE đã 3 lần đưa ra các văn bản nhắc nhở Rạng Đông Holding về việc chậm nộp Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024 và Báo cáo tài chính quý IV/2024.

CRE, EVG ra khỏi diện cảnh báo, kiểm soát

Bản tin kinh tế ngày 19/4/2025- Ảnh 2.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu EVG của Công ty CP Tập đoàn Everland ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 21/4/2025 theo Quyết định số 238/QĐ-SGDHCM ngày 17/4/2025 của HoSE.

Lý do là vì tổ chức niêm yết đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị kiểm soát căn cứ điểm c khoản 4 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cũng kể từ ngày 21/4/2025, cổ phiếu CRE của Công ty CP Bất động sản Thế kỷ được đưa ra khỏi diện cảnh báo.

Thông báo của HoSE cũng nêu rõ, ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 là chấp nhận toàn phần, thuộc trường hợp chứng khoán được đưa ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ORS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, MCK: ORS, sàn HoSE) vào diện cảnh báo kể từ ngày 16/4/2025 theo Quyết định số 205/QĐ-SGDHCM ngày 9/4/2025 của HoSE, do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tổ chức kiểm toán có ý kiến rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của hơn 28 tỷ đồng khoản phải thu của Chứng khoán Tiên Phong. Các khoản phải thu này là phí dịch vụ liên quan đến các lô trái phiếu mà công ty đã tư vấn và làm đại lý.

Theo giải trình của Chứng khoán Tiên Phong, nguyên nhân dẫn đến ý kiến ngoại trừ là sự kiện phát sinh sau cuộc kiểm toán năm 2024 (sự kiện phát sinh vào tháng 2/2025) các gói trái phiếu do Chứng khoán Tiên Phong thực hiện dịch vụ tư vấn phát hành, tư vấn lưu ký,... gồm các mã BCR12010, HIC12103, GKC12101, GKC12102 và TCD12202 đã bị HNX tạm ngừng giao dịch theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, Chứng khoán Tiên Phong cho biết đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp liên quan để thu hồi khoản công nợ hơn 28 tỷ đồng nêu trên trong thời gian sớm nhất và sẽ báo cáo khi hoàn tất.

Phó Thủ tướng: Không để trục lợi, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3332/VPCP-KTTH ngày 18/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước.

Cụ thể, xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ về tình hình diễn biến giá vàng trong nước ngày 18/4/2025, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ...trên thị trường vàng.

Chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

PV

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-19-4-2025-20525041819214031.htm