CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (MCK: SHS) vừa công bố thông tin về việc nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng số 63/GCN-UBCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp ngày 18/3.
Theo đó, SHS được phép chào bán ra công chúng gần 813,2 triệu cổ phiếu, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ lên mức 16.263 tỷ đồng. Công ty sẽ thực hiện phân phối lượng cổ phiếu này trong vòng 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực.
Đây là một trong số 4 phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của SHS.
Cụ thể, phương án thứ nhất, SHS phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 100:5, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới.
Phương án thứ hai, SHS phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 100:5, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới.
Phương án thứ ba là kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Phương án thứ tư là phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP 2024) với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC kiểm toán năm 2024 SHS ghi nhận lãi sau thuế 1.016 tỷ đồng, tăng 81,8% so với năm 2023. Đây là năm thứ hai trong lịch sử hoạt động, SHS đạt mức lợi nhuận nghìn tỷ đồng, sau mức kỷ lục đạt được năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SHS đang ở mức gần 14.028 tỷ đồng. Trong đó, danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) ghi nhận gần 8.144,4 tỷ đồng, tăng 62% và chiếm 58% tổng tài sản. Dư nợ cho vay ở mức hơn 4.187 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% và chiếm 30% tổng tài sản.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB) đã công bố cập nhật cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ trở lên.
Theo đó, Pyn Elite Fund trở thành cổ đông nắm giữ hơn 57,65 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,935%.
Đáng chú ý, tại lần công bố này, Commonwealth Bank of Australia (CBA) không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VIB nào, đồng nghĩa với việc quỹ ngoại này chính thức thoái hết vốn tại VIB.
CBA từng được biết đến với vai trò cổ đông chiến lượ của VIB từ năm 2010 và có thời điểm nắm giữ tới 20% cổ phần tại ngân hàng này.
Như vậy, CBA đã chính thức rút lui khỏi VIB sau 15 năm gắn bó.
Trong một diễn biến khác, VIB vừa công bố thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng ngày 27/3/2025 tại Phòng họp Grand Ballroom, JW Marriott Hotel & Suites Saigon, góc đường Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Theo tài liệu trình đại hội, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Đại hội sắp tới sẽ xem xét các phương án tăng vốn điều lệ năm 2025. Theo đó, HĐQT VIB đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, VIB dự kiến phát hành 417,07 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông và 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.
Trong đó, số lượng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Còn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Nếu hoàn tất 2 đợt phát hành nói trên, VIB sẽ tăng vốn điều lệ từ 29.791,2 tỷ đồng lên mức 34.040 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vicostone (MCK: VCS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4/2025.
Theo đó, đại hội dự kiến thông qua các báo cáo của HĐQT về tình hình hoạt động năm 2024; Báo cáo của Ủy ban kiểm toán về hoạt động kiểm toán nội bộ năm 2024; thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2025;..
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 cũng dự kiến thông qua Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 bằng tiền mặt theo 2 đợt, mỗi đợt tỷ lệ 20% (trích %/mệnh giá cổ phiếu đang lưu hành); ủy quyền cho HĐQT chịu trách nhiệm xem xét, thông qua các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ, các giao dịch, hợp đồng ký giữa Vicostone và các bên có liên quan, đảm bảo quyền lợi của cổ đông; phê duyệt các chủ trương đầu tư của công ty (Bao gồm cả các dự án mua, bán cổ phần, sáp nhập...) có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong Báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
Đại hội dự kiến thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng toàn bộ Dự án "Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác" từ Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) theo hình thức chuyển nhượng nguyên trạng Dự án hoặc phần vốn góp của công ty được tách trường hợp Phenikaa tách doanh nghiệp và chuyển giao dự án cho công ty được tách.
Mục đích nhận chuyển nhượng là để đảm bảo sự chủ động về nguồn nguyên vật liệu sản xuất cho Vicostone; tăng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh hóa chất
HĐQT được ủy quyền quyết định thời điểm, lựa chọn đơn vị định giá, giá trị chuyển nhượng và quyết định các nội dung khác liên quan tới việc chuyển nhượng, đảm bảo việc triển khai chuyển nhượng theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua...
Đại hội sắp tới cũng dự kiến thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với 2 kịch bản. Kịch bản 1 với doanh thu thuần 5.270 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 6% so với năm 2024.
Kịch bản 2 trong điều kiện các yếu tổ kinh tế, chính trị, xã hội tác động theo chiều hướng không thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, VSC lên kế hoạch doanh thu thuần 4.719 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng.
PV
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-20-3-2025-205250319212523858.htm