Bản tin kinh tế ngày 22/9/2024

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài 'chốt lời' 1 triệu cổ phiếu MWG; Dragon Capital nâng sở hữu tại Đất Xanh lên hơn 11%;.. là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài 'chốt lời' 1 triệu cổ phiếu MWG

Bản tin kinh tế ngày 22/9/2024- Ảnh 1.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT của CTCP Thế Giới Di Động (MCK: MWG) đã có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.

Theo đó, ngày 19/9/2024, ông Tài đã bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu ông Tài nắm giữ giảm từ 33,4 triệu cổ phiếu về 32,4 triệu cổ phiếu, tương đương gần 2,22% vốn điều lệ Thế giới Di động.

Phương thức giao dịch là khớp lệnh trên sàn.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài bán ra cổ phiếu trong bối cảnh mã MWG đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/9/2024, mã MWG ghi nhận mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu, tuy giảm nhẹ 0,29% so với giá kết phiên trước đó nhưng tăng hơn 60% so với đầu năm.

Nhiệt điện Ninh Bình bị phạt và truy thu gần 4,7 tỷ đồng

Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình (MCK: NBP, sàn HNX) mới đây thông báo đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, về thuế GTGT, đơn vị kê khai không đúng kỳ phát sinh của một số hóa đơn đầu vào và đầu ra khi xác định số thuế phải nộp trên hồ sơ kê khai thuế GTGT năm 2022, 2023.

Về quản lý và sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp lập 11 hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế; lập 1 thời điểm không đúng thời điểm nhưng dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2022.

Theo quyết định này, Nhiệt điện Ninh Bình bị phạt gần 810 triệu đồng. Trong đó, phạt 20% trên số tiền thuế GTGT khai thiếu năm 2022 với số tiền hơn 660,6 triệu đồng, phạt gần 99,5 triệu đồng đối với hành vi khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT, phạt 49,6 triệu đồng vì hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nộp đủ gần 3,2 tỷ đồng tiền thuế còn thiếu để khắc phục hậu quả và hơn 648 triệu đồng tiền phạt chậm nộp thuế.

Tổng số tiền mà Nhiệt điện Ninh Bình bị xử lý thuế là gần 4,7 tỷ đồng.

Công ty cũng bị áp dụng tình tiết tăng nặng vì vi phạm nhiều lần (đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế).

Nhiệt điện Ninh Bình là đơn sản xuất và cung cấp điện lớn cho miền Bắc với sản lượng điện cung cấp cho hệ thống khoảng 700 triệu kWh/năm. Tiền thân là Nhà máy Điện Ninh Bình trực thuộc Công ty Điện lực miền Bắc và được thành lập ngày 17/01/1974, hiện nay đang là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Phát điện 3. Cổ phiếu NBP của công ty chính thức giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 06/08/2009.

Nhóm quỹ ngoại nâng sở hữu tại Đất Xanh lên hơn 11%

Bản tin kinh tế ngày 22/9/2024- Ảnh 2.

Nhóm quỹ ngoại do Dragon Capital quản lý vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc giao dịch thành công cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh.

Cụ thể, ngày 13/9/2024, nhóm quỹ này đã mua vào tổng cộng 2,35 triệu cổ phiếu DXG của Đất Xanh thông qua các quỹ thành viên: DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (1 triệu cổ phiếu); KB Vietnam Focus Balanced Fund (100.000 cổ phiếu); Norges Bank (300.000 cổ phiếu); Saigon Investments Limited (500.000 cổ phiếu); Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (150.000 cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (300.000 cổ phiếu).

Sau giao dịch này, Dragon Capital nâng sở hữu tại Đất Xanh từ 10,75% (77,5 triệu cổ phiếu) lên hơn 11% (79,8 triệu cổ phiếu).

Dragon Capital mua vào cổ phiếu DXG trong bối cảnh mã này đang có dấu hiệu hồi phục ở vùng giá hơn 15.000 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với thời điểm đầu tháng 8/2024.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan mới đây đã cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam về thủ đoạn lừa đảo mới trong giao thương quốc tế.

Theo đó, đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều nghiệp vụ chuyên môn để gây nhầm lẫn, sai sót cho cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan, vượt qua được các hàng rào an ninh để chiếm đoạt tiền. Đặc biệt, vụ việc đang tiếp tục diễn biến theo hướng các ngân hàng liên quan của Việt Nam và Pakistan có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân.

Cụ thể, với thủ đoạn giả mạo doanh nghiệp, đối tượng lừa đảo đã lừa doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền để mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu và lừa doanh nghiệp Pakistan xuất khẩu nguyên liệu chất lượng thấp sang Việt Nam dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam bị chiếm đoạt tiền và doanh nghiệp Pakistan không thể tiêu thụ được lô hàng kém chất lượng tại Việt Nam và không thể lấy lại được lô hàng vì vướng tranh chấp. Trong khi đó, chi phí lưu hàng tại cảng, tiền phạt của hãng tàu và tiền cắm điện chạy container lạnh đang tăng lên từng ngày.

Hiện nay, vụ việc đang tiếp tục diễn biến theo hướng các ngân hàng liên quan của Việt Nam và Pakistan có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân. Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nghiệp vụ chuyên môn để gây nhầm lẫn, sai sót cho cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan. Nhờ vậy đối tượng lừa đảo đã vượt qua được các hàng rào an ninh của ngân hàng để mở tài khoản và nhận tiền và rút tiền thành công ra khỏi ngân hàng.

Để mở tài khoản giả mạo doanh nghiệp tại ngân hàng Pakistan, đối tượng lừa đảo đã thành lập một doanh nghiệp tự doanh (PROPRIETORSHIP COMPANY) để lách luật Pakistan về tên doanh nghiệp có thể trùng tên với bất cứ doanh nghiệp nào. Và để chắc chắn lừa được ngân hàng, đối tượng lừa đảo còn bớt đi một dấu gạch ngang trong tên doanh nghiệp.

Đồng thời, để rút được tiền ra khỏi tài khoản mà không phải xuất trình bộ chứng từ giao hàng và các giấy tờ cần thiết theo quy định nghiêm ngặt của luật Pakistan về thanh toán quốc tế và kiểm soát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đối tượng lừa đảo hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa vào thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam 2 chữ: "ADVANCE PAYMENT" (thanh toán trước).

Theo pháp luật Pakistan và tập quán thanh toán quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu không cần và không thể xuất trình bộ chứng từ giao hàng khi rút khoản tiền thanh toán trước mang tính chất đặt cọc để triển khai thực hiện việc giao hàng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các nội dung khác của thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam và các quy định khác về quản lý thanh toán quốc tế của Việt Nam và Pakistan, cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan đều có nguy cơ phải chịu trách nhiệm vì đã có nhầm lẫn, sai sót. Ngân hàng Việt Nam đã không kiểm tra hợp đồng xuất khẩu và hóa đơn thanh toán hàng xuất khẩu, trong đó ghi rõ số tiền chuyển ra nước ngoài là: "BALANCE PAYMENT/REMAINING BALANCE" (tất toán) nên đã sai sót đưa vào thông báo chuyển tiền 2 chữ: "ADVANCE PAYMENT" (thanh toán trước), tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo rút được tiền ra khỏi ngân hàng Pakistan.

Về phía Ngân hàng Pakistan, đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tìm hiểu khách hàng và giám sát hoạt động thanh toán theo quy định thanh toán quốc tế (URC 522, URBPO 750) và quy định KYC-CDD (KNOW YOUR CUSTOMER-CUSTOMER DUE DIGILANCE) của Ngân hàng Nhà nước Pakistan.

Về phía Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, mặc dù đã phát hiện được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo, kịp thời cảnh báo và kiến nghị chấm dứt quan hệ với đối tượng lừa đảo nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã không xem xét thông tin cảnh báo và không thực hiện kiến nghị của Thương vụ.

Thủ đoạn lừa đảo này nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp sở tại cũng bị lừa. Vì vậy, nếu Thương vụ đến trụ sở đối tác và đến ngân hàng thẩm tra xác minh khi nhận được đề nghị hỗ trợ thẩm tra xác minh đối tác của doanh nghiệp Việt Nam thì nguy cơ chính Thương vụ cũng bị lừa theo rất cao vì tất cả thông tin đối tác đều là thật.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, sở dĩ Thương vụ phát hiện kịp thời được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo mới này là nhờ có sự việc trước đó đối tượng lừa đảo đã dùng chính thủ đoạn lừa đảo này để lừa doanh nghiệp Việt Nam nhưng đối tác Pakistan không bị lừa và đã phối hợp với Thương vụ "vạch mặt" kẻ lừa đảo.

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-22-9-2024-205240922211550247.htm