Bản tin kinh tế ngày 25/11/2024

Sharp, Aqua Việt Nam, bị xử phạt vì vi phạm về cạnh tranh; Thuduc House bị cưỡng chế hơn 91 tỷ đồng tiền thuế;...là những tin tức kinh tế nổi bật, đáng chú ý.

Sharp, Aqua Việt Nam, Cao Đại Tín bị xử phạt vì vi phạm về cạnh tranh

Bản tin kinh tế ngày 25/11/2024- Ảnh 1.

Sharp Việt Nam, Aqua Việt Nam, Cao Đại Tín vùa bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt vi phạm hành chính trong cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa ban hành loạt quyết định xử lý vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh với 3 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện tử.

Cụ thể, tại Quyết định số 341/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: Masteri Thảo Điền, số 159, đường Võ Nguyên Giáp, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.HCM), cơ quan chức năng xử phạt doanh nghiệp này 200 triệu đồng về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm máy lọc không khí AIOT FP-J80EV-H nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.

Công ty TNHH Điện máy Aqua Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính tại số 8, đường 17A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng bị xử phạt 200 triệu đồng về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm tủ lạnh Side by Side AQR-S682XA và máy điều hòa Inverter AQA-KCRV10WNZA.

Công ty TNHH Thương mại Cao Đại Tín (trụ sở chính tại số 142, đường Thạnh Xuân 22, khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) bị xử phạt 200 triệu đồng theo Quyết định số 340/QĐ-CT do vi phạm về Luật Cạnh tranh, với hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm máy lọc không khí Airdog X8 nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng liên quan đến một số sản phẩm trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Thuduc House bị cưỡng chế hơn 91 tỷ đồng tiền thuế

Mới đây, Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, MCK: TDH, sàn HoSE) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin liên quan đến vấn đề thuế.

Cụ thể, Thuduc House đã nhận được quyết định cưỡng chế thuế từ Cục thuế TP.HCM bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty số tiền hơn 91,12 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 9 và 10/2024, Thuduc House cũng nhận được các quyết định cưỡng chế của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức trích tiền từ tài khoản của công ty, với số tiền lần lượt là 91,16 và 91,15 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 10/2024, doanh nghiệp này cũng có báo cáo số 843/CV-TDH/2024 gửi HoSE báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Theo báo cáo này, cổ phiếu TDH bị giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định của HoSE do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 là số âm, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu TDH bị cảnh báo, phía Thuduc House cho biết, các vấn đề liên quan đến thuế GTGT từ hoạt động kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn năm 2017-2019 của Thuduc House tại thời điểm phát sinh chưa có quyết định của tòa án về vụ án.

Nhưng nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kế toán, Thuduc House đã trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua việc trích lập toàn bộ chi phí thuế GTGT liên quan đến hoạt động kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn năm 2017-2019 và rà soát các công nợ, khoản đầu tư tồn đọng lâu năm trích lập dự phòng theo ý kiến của kiểm toán vào Báo cáo tài chính năm 2021, với tổng chi phí là 620,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến nay là số âm.

ThuDuc House cũng đã tiến hành công bố thông tin liên quan đến Bản án hình sự phúc thẩm của TAND Cấp cao TP.HCM, Quyết định của Cục thi hành án dân sự TP.HCM;...

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 22/11, cổ phiếu TDH ở mức 2.360 đồng/cổ phiếu.

Hoa Sen Group muốn lùi lịch tổ chức ĐHĐCĐ

Bản tin kinh tế ngày 25/11/2024- Ảnh 2.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG, sàn HoSE) mới đây đã công bố Nghị quyết số 51/NQ/HĐQT/2024 của HĐQT về việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024-2025.

Thời gian chính thức tổ chức đại hội sẽ được HĐQT quyết định và thực hiện công bố theo quy định.

Lý do gia hạn là vì trước bối cảnh tình hình kinh tế, ngành thép đang diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh; việc tổ chức ĐHĐCĐ đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

HĐQT Hoa Sen Group cần phải có đủ thời gian để đánh giá, dự liệu các kịch bản có thể xảy ra, xây dựng kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2024-2025 và định hướng, chiến lược phù hợp sát với tình hình thực tế khách quan.

Trong một diễn biến khác, HĐQT Hoa Sen Group cũng đã thông qua Nghị quyết số 52/NQ/HĐQT/2024 về việc tăng vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ.

Cụ thể, Hoa Sen Group thông qua chue trương góp thêm 320 tỷ đồng vào Hoa Sen Phú Mỹ để nâng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng.

Mục đích góp vốn để bổ sung nguồn vốn cho việc mở rộng sản xuất và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Được biết, Hoa Sen Phú Mỹ là công ty con do Hoa Sen sở hữu 100% vốn điều lệ; đảm nhận vai trò sản xuất - cung ứng dòng sản phẩm ống kẽm nhúng nóng thương hiệu Hoa Sen. Năm 2019, nhà máy ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen Phú Mỹ với công suất 85.000 tấn/năm đi vào hoạt động.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 (bắt đầu từ 1/10/2023 đến 30/9/2024); công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.109 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính gần 130 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 59% lên mức 98 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng tăng 65% lên mức 909 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng tăng tới 98% lên mức 149 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Hoa Sen Group báo lỗ sau thuế quý IV niên độ tài chính 2023-2024 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước báo lãi 438 tỷ đồng.

Lũy kế cả niên độ tài chính 2023 - 2024, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 39.272 tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận sau thuế ở mức 510 tỷ đồng, gấp 17 lần.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 19.561,5 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ so với đầu niên độ. Trong đó, hàng tồn kho ở mức hơn 10.000 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.986 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 25% đạt gần 664 tỷ đồng, chủ yếu do tăng phần máy móc thiết bị chờ lắp đặt và dự án Hoa Sen Phú Mỹ...

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối niên độ tài chính 2023 - 2024 ở mức hơn 8.600 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu niên độ.

PNJ lãi 1.600 tỷ đồng sau 10 tháng năm 2024

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 với nhiều chỉ số tích cực.

Theo báo cáo này, sau 10 tháng năm 2024, PNJ ghi nhận 32.371 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.600 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 23% và 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh số đến từ kênh trang sức bán lẻ chiếm 56,4% trong cơ cấu tổng doanh thu chung; tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các phân khúc thị trường, phát triển mạng lưới cửa hàng và chiến dịch marketing đa dạng. Lượng khách mới và khách cũ tiếp tục gia tăng.

Mảng trang sức bán sỉ tăng 32,7%; doanh thu vàng 24K cũng tăng lên 33,9% chủ yếu nhờ sự sôi động của thị trường trong nửa đầu năm.

Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, PNJ đã hoàn thành 87,1% kế hoạch doanh thu và 76,6 kế hoạch lãi năm.

Tính đến ngày 31/10/2024, PNJ có 412 cửa hàng, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ. Trong 10 tháng năm 2024, PNJ mở mới 32 cửa hàng và đóng 11 cửa hàng.

Trong một diễn biến khác, mới đây, PNJ đã nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, theo Quyết định số 648/QĐ-XPHC ngày 02/10/2024 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng.

Vi phạm này liên quan đến đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5/2024 đến ngày 10/9/2024.

Theo đó, PNJ bị phạt tổng số tiền là 1,34 tỷ đồng với lý do ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.

PNJ đã cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh quyết định xử phạt và chủ động khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế rủi ro trong tương lai.

Được biết, đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc lần này có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Đối tượng thanh tra bao gồm hai ngân hàng là TPBank và Eximbank, cùng với bốn doanh nghiệp lớn trong ngành vàng bạc đá quý là SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan, tập trung vào các nội dung bao gồm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

PV

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-25-11-2024-205241124221317429.htm