Bản tin kinh tế ngày 25/3/2025

BIDV dự chi hơn 12.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn; Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2026; … là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 25/3/2025.

BIDV dự chi hơn 12.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, MCK: BID) mới đây đã công bố thông tin Nghị quyết số 250/NQ-BIDV về việc Phê duyệt phương án mua lại Trái phiếu tăng vốn trước hạn theo quyền từ quý II/2025 đến hết quý I/2026.

Tổng mệnh giá mua lại là hơn 12.271 tỷ đồng, nguồn vốn mua lại từ nguồn vốn kinh doanh của BIDV.

Mục đích mua lại là để thực hiện quyền mua lại của tổ chức phát hành; đáp ủng kỳ vọng của nhà đầu tư, thể hiện uy tín, năng lực tài chính của BIDV, qua đó tạo thuận lợi cho kế hoạch phát hành trái phiếu trong tương lai.

Bản tin kinh tế ngày 25/3/2025- Ảnh 1.

Nguồn: HNX

Ngày thực hiện quyền mua lại theo quy định tại các Bản công bố thông tin Bản cáo bạch chào bán Trái phiếu tăng vốn BIDV các năm 2018, 2020, 2022, 2023, 2024.

Trong một diễn biến khác, BIDV đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 với một số nội dung đáng chú ý.

Về kế hoạch kinh doanh, HĐQT BIDV dự kiến sẽ trình đại hội kế hoạch 2025 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến tăng 15 - 16%. Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo LDR theo quy định.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng thời nợ xấu được kiểm soát dưới 1,4%.

HĐQT ngân hàng đề xuất ĐHĐCĐ chấp thuận ủy quyền cho HĐQT quyết định các chỉ tiêu chính thức dựa trên cơ sở ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phù hợp với diễn biến thị trường, thực tiễn hoạt động của BIDV.

Ngoài ra, đại hội sẽ thảo luận về phương án tăng vốn điều lệ, kế hoạch niêm yết trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng, ngân sách hoạt động năm 2025, mức thù lao cho HĐQT và BKS, cũng như quỹ thưởng cho đội ngũ quản lý.

Bắt giữ 3 đối tượng trong vụ cướp hơn 2,2 triệu USD ở Tây Ninh

Cơ quan chức năng đã bắt giữ 3 đối tượng chính trong vụ án "Cướp tài sản" hơn 2,2 triệu USD ở Tây Ninh

Báo Tin Tức đưa tin, ngày 24/3, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã bàn giao 3 nghi phạm có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội "Cướp tài sản" gồm: Đào Xuân Lộc (34 tuổi, quê Đồng Nai), Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Anh Duy (32 tuổi, quê Bình Định) cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh để mở rộng điều tra, xử lý.

Đây là 3 đối tượng có liên quan đến vụ án "Cướp tài sản" là số tiền 2.281.700 USD, xảy ra tại địa bàn huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, khi các đối tượng này đang trốn tại Thôn Nông Trường (xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Liên quan đến vụ án này, trước đó, Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố, bắt giữ Phạm Lý Phương (34 tuổi, quê Tây Ninh) về tội "Cướp tài sản" và Lê Nguyên Bình (37 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội "Che giấu tội phạm".

Thông tin ban đầu trên VietNamNet, Phạm Lý Phương biết cha mẹ mình vừa có 2 triệu USD mang về nhà. Phương báo tin và bàn bạc với nhóm Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Anh Duy để dàn cảnh cướp số tiền trên.

Ngày 10/3, nhóm đối tượng xông vào căn nhà ở ấp Thuận Tây (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), xưng là cảnh sát, làm việc với mẹ của Phương là bà Phan Thị Mỹ L. (ngụ 145/16, đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, Quận 3, TP.HCM) yêu cầu về cơ quan công an để làm rõ nguồn gốc số tiền 2,2 triệu USD.

Do tưởng là cảnh sát thật nên bà L. thu xếp để đi làm việc. Lúc này nhóm đối tượng cướp lấy 2,2 triệu USD rồi tẩu thoát.

Sau khi lấy được tiền và tẩu thoát, nhóm cướp cắt đứt liên lạc với Phương. Biết là bị lừa, Phương thú nhận sự việc với gia đình.

Khoảng 17h ngày 11/3/2025, Phạm Lý Phương cùng với bà Phan Thị Mỹ L. đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh trình báo.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 15/3 lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng Lê Nguyên Bình tại một khách sạn tại Hà Nội, thu giữ gần 1,96 triệu USD.

Ngày 20/3, Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố, bắt giữ Phạm Lý Phương về tội "Cướp tài sản". Công an cũng khởi tố Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Anh Duy nhưng xác định các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên ra quyết định truy nã đặc biệt.

Hiện 3 đối tượng Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Anh Duy đang được di lý về Công an tỉnh Tây Ninh để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2026

Bản tin kinh tế ngày 25/3/2025- Ảnh 2.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước phát triển.

Theo dự thảo, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% ( xuống còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau gồm viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định nêu trên từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Phương án giảm thuế GTGT tại dự thảo Nghị quyết lần này có sự thay đổi nội dung so với quy định tại các Nghị quyết trước đó khi đã đề xuất mở rộng thêm với các đối tượng trước đó không được giảm thuế.

Cụ thể, giảm thuế đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin...), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (như thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi...).

Đối với than cốc, dầu mỏ tinh chế (như than cốc, nhiên liệu dầu và xăng, dầu mỡ bôi trơn…), sản phẩm hoá chất (như phân bón và hợp chất ni tơ, plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh…), than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại (than khai thác trong nước đã được giảm theo Nghị quyết 43/2022/QH15).

Ngoài ra, Bộ Tài chính giải thích mặc dù mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và mặt hàng dầu thuộc danh mục sản phẩm khai khoáng, song đây là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân và giá xăng, dầu nói chung tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ước khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, chính sách này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, chính sách cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023.

PV

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-25-3-2025-205250325013745417.htm