Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu mã F88CH2425006 với khối lượng 700 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành 70 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành ngày 1/10, có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 10,5%/năm.
Đây là lô trái phiếu thứ 6 được F88 phát hành kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, các lô F88CH2425001, F88CH2425002 và F88CH2425003 được phát hành vào tháng 4 và tháng 5/2024, mỗi lô trị giá 50 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất 11-11,5%/năm.
Tiếp đến sang tháng 8/2024, công ty tiếp tục phát hành thêm hai mã trái phiếu F88CH2425004 trị giá 100 tỷ đồng và F88CH2425005 trị giá 50 tỷ đồng. Cả hai lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 11%/năm.
Đáng nói, F88 tích cực phát hành trái phiếu trong bối cảnh hai lô F88CH2324002 và F88CH2324003 tổng trị giá 250 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 11 và tháng 12 năm nay.
Về tình hình kinh doanh, công ty tài chính này báo lãi sau thuế hơn 89 tỷ đồng trong nửa đầu 2024, phục hồi mạnh so với khoản lỗ hơn 368 tỷ đồng cùng kỳ.
Tính đến cuối quý II/2024, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ 4%, còn 1.519,6 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 1,44 lần lên 1,96 lần, tương đương tổng nợ phải trả khoảng 2.980 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 600 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec, mã: APS) vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Theo Quyết định số 413/QĐ-XPHC của Chánh Thanh tra UBCKNN, Chứng khoán Apec bị phạt với số tiền 62,5 triệu đồng, do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch bán 8,1 triệu cổ phiếu API hồi năm 2023.
Cụ thể, APS đăng ký bán 8,1 triệu cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã: API) từ ngày 06 - 20/06/2023, tuy nhiên đến ngày 18/08/2023 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch.
Thực tế, APS cũng không bán được bất kỳ cổ phiếu API nào trong giai đoạn kể trên, với lý do thị trường không thuận lợi. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại API được giữ nguyên 11,3%, tương ứng hơn 11 triệu cổ phiếu.
Đáng nói, mục đích thực hiện giao dịch trên là thực hiện theo Quyết định số 1041/QĐ-XPHC ngày 21/12/2022 của UBCKNN sau khi Chứng khoán Apec bị phạt hành chính 250 triệu đồng do "không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật".
Cụ thể, từ ngày 22/09 - 15/10/2021, APS đã mua vào 4,5 triệu cổ phiếu API, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan vượt mức quy định (ông Nguyễn Đỗ Lăng - thời điểm đó vừa là thành viên HĐQT API, vừa là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APS), tăng từ gần 8 triệu cổ phiếu lên gần 12,5 triệu cổ phiếu API, tương ứng tỷ lệ tăng từ 22,59% lên 35,31%, mà không đăng ký chào mua công khai.
Biện pháp khắc phục hậu quả là APS buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng.
Ngày 18/10 vừa qua, APS có công văn về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện bị cảnh báo và kiểm soát. Cụ thể, APS vào diện cảnh báo theo Quyết định ngày 1/4/2024 của HNX do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tài ngày 31/12/2023 là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về BCTC của công ty.
Cùng ngày, HNX tiếp tục có quyết định đưa cổ phiếu APS vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 trên BCTC năm 2023 đã được kiểm toán là số âm.
Giải trình về việc này, Chứng khoán Apec cho biết đang thu hồi dần khoản công nợ tạm ứng 172,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, APS cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động tự doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ cắt giảm tối đa các chi phí. Kết quả là lợi nhuận sau thuế tại quý III/2024 đạt 14,1 tỷ đồng.
Ngày 30/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư trên địa bàn TP.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; các thành viên Tổ công tác.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP.Hà Nội, trên địa bàn có 5 dự án đầu tư chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng. Các vướng mắc chính khiến 5 dự án nói trên chậm triển khai hoặc chưa thể đưa vào sử dụng toàn phần là công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê đất và các vấn đề pháp lý liên quan đến địa bàn xây dựng các dự án.
Sau khi nghe báo cáo của Văn phòng UBND TP, ý kiến thảo luận của các sở ngành, đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Tổ trưởng Tổ công tác đã trực tiếp trao đổi, bày tỏ quan điểm giải quyết rõ ràng đối với các dự án.
Chú tịch UBND TP.Hà Nội thẳng thắn phê bình sự chậm trễ của các chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ của các dự án.
Trong số các dự án chậm tiến độ, Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ được Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đánh giá là dự án thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp và cũng là công trình mỹ quan của Thủ đô.
Vì vậy, nhà đầu tư dự án cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tập trung nguồn lực để thực hiện, triển khai nhanh dự án. Với vướng mắc khác liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư của các dự án nêu trên, các địa phương, sở, ngành nỗ lực giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai tổ chức đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa các hạng mục dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cơ sở cải tạo, nâng cấp nhà A2, A3 (đã xây dựng phần thô) cùng hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp theo quy định.
Đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị có liên quan tham mưu, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc; trong đó Sở KH&CN nghiên cứu phương án khả thi trong quản trị tài sản công, vận hành.
Trong thời gian tới, UBND TP.Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chống lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển thủ đô.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB, sàn HoSE) thông tin vừa nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Mỹ Hào kể từ ngày 1/11/2024 để nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Việc từ nhiệm của ông Hào sẽ được Vietcombank báo cáo ĐHĐCĐ gần nhất thông qua.
Trong đơn xin từ nhiệm, ông Nguyễn Mỹ Hào cho biết trong thời gian giữ chức vụ Thành viên HĐQT, ông đac hoàn thành tốt công việc được ĐHĐCĐ và HĐQT giao phó, cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật, Điều lệ và quy định nội bộ của Vietcombank.
Được biết, ông Nguyễn Mỹ Hào được bổ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2023 - 2028 kể từ ngày 21/4/2023.
Ông Nguyễn Mỹ Hào sinh năm 1963 có trình độ học vấn Thạc sĩ kinh tế và Cử nhân kinh tế tại Học viện Ngân hàng. Ông Hào được bầu làm Ủy viên HĐQT Vietcombank từ tháng 5/2017.
Ông Hào đã có gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ông từng giữ các chức vụ như cán bộ Ngân hàng nhà nước Nghệ Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thăng Long, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch,...
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ban-tin-kinh-te-ngay-31-10-2024-205241030200607669.htm