Bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI) - công cụ tài chính mới cho các DN ngành nhựa
Nhựa là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, chiếm 6,7% tỷ trọng GDP. Từ 2018 – 2022, ngành nhựa tăng trưởng 12% - 15%, dự đoán từ 2023 – 2038, ngành nhựa sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 8,4%/năm. Nhựa cũng là một trong 10 ngành được nhà nước ưu tiên phát triển để có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Trong vài năm gần đây, khi các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước/khu vực trên thế giới có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của các DN ngành nhựa ngày càng rộng mở. Theo đó, đầu tư nước ngoài – như châu Âu và Thái Lan, vào các DN ngành nhựa ngày càng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, với việc xuất khẩu giảm 12,2% tính đến tháng 9/2023, ngành nhựa đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xanh và nguyên nhân phần lớn đến từ việc hạn chế thông tin cho nhà đầu tư đánh giá hiệu suất ESG của các doanh nghiệp nhựa.
Ông Chung Tấn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA) chia sẻ: "Một trong những yếu tố tăng trưởng quan trọng mà chúng tôi đã xác định với các công ty thành viên cho những năm tới là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; nhờ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Chỉ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường là chưa đủ; doanh nghiệp nhựa TP.HCM cần cải thiện báo cáo tài chính để thu hút đầu tư".
Cũng theo ông Cường, hiện tại thì các DN ngành nhựa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Vì như chúng ta đã biết, muốn vay vốn từ ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp, trong khi việc định giá trang thiết bị máy móc sẽ biến thiên qua từng năm, khi công nghệ sản xuất thay đổi không ngừng.
Một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính là sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI).
"Chúng tôi thường gọi bảo hiểm tín dụng thương mại là một 'tấm lá chắn' giúp đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp tự tin hơn khi bán hàng cho đối tác. Với TCI, các doanh nghiệp nhựa sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro giao dịch và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hơn nữa, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các khoản tín dụng xanh", bà Vũ Thị Đức Hạnh - Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam chia sẻ.
Atradius hiện là công ty bảo hiểm tín dụng lớn thứ hai thế giới với 25% thị phần toàn cầu, đang hợp tác với VSPA để tìm hiểu và giải quyết những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu từ nguồn tài chính xanh cho ngành nhựa. Atradius hiện có 3.000 đối tác và hiện diện ở 50 quốc gia.
Bảo hiểm tín dụng thương mại giúp người bán biết trước mức độ rủi ro của người mua
Cũng theo bà Đức Hạnh, hiện có 3 hình thức thanh toán chính khi các DN tiến hành xuất khẩu/nhập khẩu: thanh toán trả chậm – Open Account (OP), L/C và TCI.
Hình thức OP thường được dùng khi mà người bán và người mua là đối tác lâu năm, có sự tin tưởng nhau tuyệt đối. Người bán sẽ mở một tài khoản ở ngân hàng và người mua sẽ trả tiền một lần hoặc nhiều lần theo thỏa thuận của 2 bên, sau khi đã bán được hàng.
L/C là một phương thức thanh toán liên quan đến việc xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. Người bán sẽ được bảo đảm thanh toán nếu xuất trình tại ngân hàng bộ chứng từ phù hợp với quy định đề ra. Phương thức thanh toán bằng L/C cũng có thể được hiểu là một khoản tạm ứng mà ngân hàng dành cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu.
"L/C hiện là phương thức thanh toán mà nhiều DN Việt Nam yêu thích – có 70% DN xuất/nhập khẩu sử dụng. L/C sẽ an toàn cho người bán nhưng gây ra nhiều khó khăn cho người mua, vì vậy nó sẽ giảm tính cạnh tranh của DN Việt khi xuất khẩu. Ngoài ra, L/C không an toàn tuyệt đối với người bán, vì nếu gặp người mua xấu giả mạo được chứng từ, thì người mua có thể mất trắng.
Theo xếp hạng của Atradius, thì thị trường Việt Nam đang ở mức vàng – rủi ro trung bình trong thương mại quốc tế, thị trường Tây Ban Nha và Sri Lanka ở mức đỏ - rủi ro cao", bà Đức Hạnh tiết lộ.
Với bảo hiểm tín dụng thương mại - TCI, dù người mua không trả tiền thì người bán cũng không bị mất tiền, bởi công ty bảo hiểm như Atradius sẽ đứng ra thanh toán.
Cụ thể: đến thời gian quy định mà người mua không trả tiền cho người bán, công ty bảo hiểm sẽ uỷ thác cho công ty bao thanh toán đi thu hồi nợ, đến thời điểm thỏa thuận với người bán, dù có đòi được nợ từ người mua hay không, thì công ty bảo hiểm vẫn sẽ trả đầy đủ tiền hàng cho người bán.
Cách đây vài tháng, công ty Noble House Home Furniture LLC – DN nội thất 30 năm tuổi của Mỹ tuyên bố phá sản. Lúc đó, họ vẫn còn nợ 8 nhà cung cấp tại Việt Nam, với giá trị 1 hợp đồng từ 1 triệu đến 4 triệu USD. Trong đó, có công ty CP Cẩm Hà tại Hội An – Quảng Nam, 50% doanh thu trung bình mỗi năm của DN này đến từ Noble.
Nếu nhìn rộng ra, theo bà Đức Hạnh, thì các nhà cung cấp của Việt Nam – như Cẩm Hà chỉ là một đối tác nhỏ trong hàng trăm đối tác của Noble và khi Noble phát mãi tài sản có tiền, sẽ ưu tiên trả các đối tác lớn và không biết bao giờ mới tới lượt Cẩm Hà và những nhà cung cấp Việt Nam khác. Nếu Cẩm Hà dùng tới TCI thì mọi chuyện có thể đã khác.
Cách đây chưa lâu, Atradius từng gặp một trường hợp khá hy hữu ở thị trường Việt Nam. Một DN nọ đã sử dụng dịch vụ bảo hiểm tín dụng thương mại của Atradius cho lô hàng mà họ bán cho 1 công ty Việt Nam – có công ty mẹ Thái Lan. Và khi Atradius tiến hành thẩm định người mua để tiến hành hợp đồng bảo hiểm cho người bán, thì họ phát hiện ra là công ty mẹ ở Thái Lan kia sắp phá sản.
Tất nhiên, các doanh nghiệp Việt có thể tự mình tiến hành thẩm định đối tác xuất khẩu, nhưng sẽ khó chính xác 100% vì thiếu kinh nghiệm và tốn nhiều chi phí hơn Atradius. Ngoài ra, nếu sau khi thẩm định và thấy người mua không tốt như kỳ vọng, Atradius có thể chỉ nhận bảo hiểm 70% hoặc 50% hợp đồng.
Bảo hiểm tín dụng còn là một công cụ tài chính dùng để huy động vốn ngắn hạn
"Bên cạnh đó, TCI còn được sử dụng như một tài sản thế chấp có uy tín khi DN đi vay vốn ở ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa phát triển nghiệp vụ này, nhưng nếu DN mang hợp đồng TCI ra thì vẫn được xem xét. Còn ở Singapore, tất cả ngân hàng đều hiểu rõ về TCI cũng như giá trị bảo đảm của nó; nên với các DN ở Singapore, 70% giá trị của TCI là dùng để vay vốn còn 30% là để bảo vệ.
Trong ngành nhựa, hầu hết các công ty FDI hoặc DN lớn đều có dùng TCI khi xuất nhập khẩu, nhưng chỉ có 1% DN SMEs dùng TCI và đó cũng là thực trạng chung của thị trường Việt Nam. Từ năm 2011 đến 2014, Bộ Tài chính - dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã hỗ trợ các DN Việt 20% phí bảo hiểm thương mại khi xuất khẩu", Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam cho biết thêm.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Hoàng Minh Anh Tú – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ Kỹ thuật Nhựa Âu Lạc (Alta Plastics), thì DN của ông cũng đã nhiều lần bị đối tác nước ngoài 'xù nợ'. Alta Plastics chuyên sản xuất bao bì nhựa mềm, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong nước 450 đến 500 tấn hàng hóa.
Theo ông Anh Tú, họ cũng đã từng vài lần gặp rủi ro khi xuất khẩu lúc dùng phương thức thanh toán L/C. Một lần Alta Plastics có lô hàng đi Mỹ nhưng đòi nợ rất khó. Lần khác – năm 2014, họ có lô hàng xuất khẩu trị giá 50.000 USD và đối tác của họ đã làm giả chứng từ để lấy hàng ra; trong 60 đến 90 ngày sau, ngân hàng đối tác không chịu thanh toán. Vậy nên, DN Việt rất khó xuất khẩu vì không dám tin tưởng khách hàng tuyệt đối.
Một trong những nguyên do khiến các DN SMEs Trung Quốc luôn mạnh dạng trong xuất nhập khẩu nguyên liệu hay hàng hóa là bởi Chính phủ Trung Quốc đã đứng ra bảo lãnh tín dụng thương mại cho họ.
"Trong ngành nhựa, nhu cầu tài chính luôn lớn - vì nếu muốn có giá tốt thì phải sản xuất số lượng lớn - cần lượng nguyên liệu dồi dào. Theo quan điểm của tôi, TCI hay L/C cũng giống như các công cụ tài chính mà DN dùng để huy động lượng vốn ngắn hạn phục vụ việc xuất khẩu hàng hóa hay nhập khẩu nguyên liệu, nên tùy nhiều điều kiện/đối tác mà sử dụng phương thức nào để mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp", Chủ tịch Alta Plastics kết luận.
Quỳnh Như