Sau khi một số đơn vị hành chính sáp nhập từ ngày 1/7, thị trường bất động sản đã ghi nhận những chuyển biến đáng chú ý với làn sóng quan tâm gia tăng tại nhiều khu vực.
Tại diễn đàn "Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" do TheLeader tổ chức, trả lời câu hỏi đâu là vùng đất tiềm năng sau sáp nhập, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho biết, quá trình tái cấu trúc địa giới hành chính đã góp phần thúc đẩy sự chú ý của nhà đầu tư đến các khu vực mới, nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, quy hoạch và liên kết vùng.
Tại khu vực phía Bắc, Ninh Bình và Hà Nam nổi lên là một trong những cặp địa phương thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Trong đó, mức độ quan tâm tới bất động sản tại Ninh Bình tăng tới 96%, còn Hà Nam cũng ghi nhận mức tăng khoảng 30% so với thời điểm trước sáp nhập.
Cả hai tỉnh này có nhiều điểm tương đồng về diện tích, dân số và đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp. Theo ghi nhận của PropertyGuru, làn sóng quan tâm tại khu vực này đã manh nha từ tháng 3/2025, tức sớm hơn 3–6 tháng so với thời điểm chính thức sáp nhập, cho thấy sự chủ động nắm bắt xu hướng của giới đầu tư.
Một điểm sáng khác tại miền Bắc là cặp địa phương Bắc Ninh – Bắc Giang. Trong đó, Bắc Giang tăng mức độ quan tâm tới 83%, còn Bắc Ninh cũng tăng 43% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Quốc Anh, yếu tố chính giúp hai tỉnh này gia tăng sức hút đến từ sự phát triển của các tuyến cao tốc, đường sắt kết nối vùng, cũng như quy hoạch tập trung vào công nghiệp và đô thị vệ tinh. Bắc Giang – Bắc Ninh nổi lên như một cực tăng trưởng mới, bổ trợ mạnh mẽ cho khu vực Thủ đô mở rộng.
Ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam được đánh giá là một cặp địa phương có nhiều tiềm năng phát triển đồng bộ. Đáng chú ý, Quảng Nam ghi nhận mức độ quan tâm tăng 96%, vượt qua cả Đà Nẵng (tăng 39%).
Lợi thế của khu vực này nằm ở sự kết nối giữa cảng biển, sân bay và khu kinh tế mở Chu Lai, cùng với định hướng trở thành "cặp đô thị song sinh" trong chiến lược phát triển vùng duyên hải miền Trung. Với tiềm lực về du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, Đà Nẵng – Quảng Nam được kỳ vọng tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư mới trong thời gian tới.
Ở phía Nam, ba địa phương TP.HCM – Bình Dương – Vũng Tàu tiếp tục duy trì sức hút lớn, không chỉ bởi quy mô dân cư mà còn bởi vị thế kinh tế trọng điểm. Khu vực này hiện đóng góp khoảng 25% GDP cả nước và 37% chỉ số phát triển thị trường bất động sản (MBI).
Tam giác này được định hướng trở thành tổ hợp công nghiệp – cảng biển – tài chính – dịch vụ hàng đầu cả nước, hứa hẹn tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thị trường địa ốc khu vực phía Nam trong giai đoạn hậu sáp nhập.
Chuyên gia này đánh giá, việc sáp nhập và tái định hình địa giới hành chính đã không chỉ giúp tinh gọn bộ máy quản lý, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với thị trường bất động sản. Nhiều vùng đất từng chưa được chú ý đang dần "lên sóng" nhờ sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng, liên kết vùng và tầm nhìn phát triển đô thị dài hạn.
Nếu tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư công, cải thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy quy hoạch đô thị thông minh, các khu vực nói trên sẽ trở thành những tâm điểm đầu tư mới, mở ra chu kỳ tăng trưởng dài hạn cho thị trường bất động sản.
Thảo Vân
Đàm Thị Thuý Vân