Trường Đại học Lâm Nghiệp (VNUF) có trụ sở chính tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Trường được thành lập vào ngày 19/8/1964 theo quyết định của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở tách Khoa Lâm học và tổ Cơ giới khai thác Lâm nghiệp từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Được biết, trường đại học Lâm nghiệp nằm trên địa hình bán sơn địa rộng lớn với diện tích 1,6 km2. Trong đó, khuôn viên trường rộng 0,5 km2 và rừng thực nghiệm rộng 1,1 km2 (gấp 9 lần diện tích hồ Hoàn Kiếm).
Trong nhiều năm qua, nhà trường cũng đã ghi nhận, bổ sung nhiều loài chim định cư và di cư đến kiếm ăn, sinh sống, làm tổ và sinh sản. Trong ảnh là loài Cò nhạn quý hiếm (có tên trong sách đỏ Việt Nam) di chuyển, kiếm ăn và định cư ở Khu rừng thực nghiệm & Bảo tồn nguồn gen quốc gia tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Lưu Quang Vinh.
Ban đầu toàn trường chỉ có 3 khoa và đào tạo 4 ngành học trong lĩnh vực Lâm Nghiệp. Cho đến nay, trường Đại học Lâm nghiệp là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 9 khoa và viện đào tạo, giảng dạy 33 ngành học, trong đó Lâm nghiệp là đầu ngành của cả nước.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu chuyên ngành đào tạo, ngoài các tòa nhà, trường còn nhiều nơi phục vụ cho việc nghiên cứu, dạy và học của giảng viên sinh viên như: khu nghiên cứu thực nghiệm giống cây rừng, trung tâm thực nghiệm công nghệ sinh học, trung tâm thực nghiệm công nghiệp rừng, nhà kính...Trong ảnh là hồ sinh thái trường Đại học Lâm Nghiệp.
VNUF cũng là một trong những trường tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc đào tạo. Được biết, năm 2023, Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh khóa đào tạo E-learning đầu tiên…Thư viện số của trường đã kết nối với 55 trường đại học trên toàn quốc, lưu trữ 65.000 tài liệu số phục vụ công tác giảng dạy. Trong ảnh là thư viện của trường.
Để mở rộng quy mô giảng dạy, trường Đại học Lâm Nghiệp đã thành lập một số Phân hiệu Trường ĐHLN tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai; Các trường THPT như trường THPT Lâm Nghiệp Đồng Nai, trường THPT Lâm nghiệp. Trong ảnh là trường THPT Lâm Nghiệp được thành lập năm 2017 theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Ban Phổ thông dân tộc nội trú thuộc Trường ĐHLN.
Ngoài ra, trường đại học Lâm nghiệp còn có khu ký túc xá, khu liên hợp thể thao, bể bơi, nhà thi đấu, sân vận động trung tâm và các sân tập luyện thể thao. Xung quanh tất cả công trình này đều tràn ngập màu xanh.
Trải qua gần 60 năm phát triển, VNUF đã đào tạo cho ngành Lâm - Nông nghiệp và phát triển nông thôn với trên 50.000 kỹ sư, cử nhân; gần 5.000 thạc sĩ, trên 100 tiến sĩ, trên 30.000 sinh viên, học sinh hệ cao đẳng, trung cấp và đặc biệt là trên 2.500 học sinh phổ thông dân tộc nội trú.
Đồng thời, nhà trường còn đào tạo trên 500 kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ cho 2 nước bạn Lào và Campuchia.
Năm 2023, điểm chuẩn tuyển sinh các ngành đào tạo đại học chính quy tại Cơ sở chính – Hà Nội: Xét theo kết quả học tập THPT (học bạ) tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12 là 18 điểm và điểm trúng tuyển xét theo điểm thi Tốt nghiệp THPT là 15 điểm.
Bản đồ trường Đại học Lâm Nghiệp với khu rừng được thể hiện bằng phần màu xanh.
Một trường đại học rộng 26ha, bị xếp vào hàng "nhỏ nhất trong số các đại học" nhưng vẫn khiến sinh viên mới lạc đường
Ngọc Đẹp - Quỳnh Hương